Tâm lý học có phải là một khoa học không ?


Tâm lý học có phải là một khoa học không ?

Bởi vì ta thấy rằng đối tượng nghiên cứu của tâm lý là kinh nghiệm chủ quan. Những thứ khá riêng biệt và cá nhân, hiện nay một số nhà khoa học tự nhiên cũng chưa coi tâm lý học là một ngành khoa học.

Trước khi đặt câu hỏi về tâm lý học có phải là một ngành khoa học hay không thì phải hiểu về khoa học.
Bởi vì ta thấy rằng đối tượng nghiên cứu của tâm lý là kinh nghiệm chủ quan. Những thứ khá riêng biệt và cá nhân, hiện nay một số nhà khoa học tự nhiên cũng chưa coi tâm lý học là một ngành khoa học.

Khoa học là gì ?

Mọi con người bình thường ở mọi thời đại đều đã từng quan sát mặt trời mọc và lặn và các chu kỳ khác nhau của mặt trăng. Những người có tư duy hơn thì bắt đầu đặt câu hỏi: “Tại sao? Tại sao khi mặt trăng khi tròn khi khuyết ? Tại sao mặt trời lúc mọc lúc lặn, và nó lặn về đâu ?” Ở đây chúng ta có hai yếu tố của khoa học thời cận đại: việc quan sát tạo thành yếu tố thường nghiệm hay sự kiện, và cố gắng hệ thống để giải thích các sự kiện này tạo thành yếu tố lý thuyết. Khi khoa học phát triển, thì có sự chuyên môn hóa, hay phân công; một số người dành thời gian chủ yếu cho việc quan sát, trong khi một số ít hơn chuyên lo các việc giải thích. – Clark L. Hull (1943)
Nếu nghĩ kỹ lại thì hoạt động của chúng ta chủ yếu dựa vào quan sát và bắt chước lại những quy luật tự nhiên, rồi ứng dụng những quy luật này theo nhiều cấp độ để từ đây xây dựng và tổ chức cuộc sống theo ý muốn, trở nên tiện nghi hơn, cải thiện hơn. Ví dụ: Qua quan sát lâu ngày bạn thấy rằng mặt trăng trên bầu trời lúc tròn, lúc khuyết, và luôn luân phiên thay đổi hình dạng sau một khoảng thời gian nhất định, vì thế để biết được khoảng thời gian cụ thể là bao lâu thì mặt trăng thay đổi hình dạng, cũng như để hiểu được khi nào thì mặt trăng tròn hay khuyết, bạn bắt đầu ghi chép, để những ghi chép trở nên có ý nghĩa, bạn phải tổng hợp, phân loại và đúc kết ra quy luật; chưa dừng lại, để kiểm tra lại tính đúng đắn của quy luật bạn đã đúc kết, thì quy luật đó phải tiên đoán đúng trên thực tế về hình dạng của mặt trăng trong khoảng thời gian cụ thể, sau đó nếu đúng thì phần trăm tiên đoán đúng là bao nhiêu ? Do đó, để đi từ quan sát đến ứng dụng, những kinh nghiệm cũng như thông tin phải được diễn giải, xây dựng ổn định thành một hệ thống lý thuyết.

Một khái niệm nhanh về Duy nghiệm và Duy Lý:

Duy nghiệm: Con người cảm nhận thế giới qua các giác quan, và chỉ trong những trải nghiệm giác quan này mà hình thành nên khái niệm về thế giới bên ngoài. Chính vì thế sự thật mà con người nắm giữ hoàn toàn bị giới hạn bởi những khả năng giác quan của họ. Có thể hiểu như, do cấu tạo sinh học và vật lý của đôi mắt mà chúng ta thấy được ánh sáng trong những bước sóng nhất định, thường thì màu sắc mà ta nhìn thấy hằng ngày là những phản chiếu của ánh sáng thuộc những bước sóng ấy, nhưng với tia hồng ngoại hay UV thì ta lại không thể thấy. Tuy nhiên với những loài động vật khác thì chúng lại có khả năng thấy được các bước sóng khác nằm ngoài vùng khả kiến của con người. Ta không thể nói rằng thế giới mà ta thấy thì thật hơn là thế giới của một chú chó, một chú mèo nhìn thấy.
Duy lý: Theo nghĩa rộng nhất, đó là quan điểm cho rằng lý tính là nguồn gốc của tri thức hay sự minh giải. Nói cách khác, chủ nghĩa duy lý là một phương pháp hoặc học thuyết mà trong đó tiêu chuẩn về chân lý không có tính giác quan mà có tính trí tuệ và suy diễn logic. Duy lý dựa trên bằng chứng, tư duy. (Nguồn: Wikipedia)
Sau khi hiểu qua được duy nghiệm và duy lý, thì khi đọc câu: “Khoa học là sự kết hợp giữa thuyết duy nghiệm và thuyết duy lý” ta có thể tiếp tục được mà không bị khựng lại do chẳng hiểu duy nghiệm hay duy lý là gì.
Vậy thì có thể nói khoa học là một công cụ khá mạnh vì nó là một sự kết hợp giữa hai thuyết trên.
Trong quan niệm truyền thống về khoa học, có hai thứ cần chú tâm vào đó là sự quan sátlý thuyết khoa học. Theo như mình hiểu, thì mọi thứ bắt nguồn từ sự quan sát. Nó là cái bắt đầu nhưng không phải là duy nhất, một ngày chúng ta thấy bao nhiêu là thứ, quan sát biết bao nhiêu là hiện tượng, ví dụ như đàn kiến bò, xe cộ qua lại trên đường, cái lá rụng rồi bị gió cuốn đi. Với một sự hỗn tạp như thế thì việc quan sát đơn thuần không mang lại bất cứ ý nghĩa nào, chỉ khi quan sát kết hợp với diễn giải, phân tích, tổng hợp, liên kết… thì chúng ta mới có thể biết về hiện tượng được quan sát một cách gọi là mạch lạc, có hệ thống và có ý nghĩa. Khi những quan sát được hệ thống hóa lại bằng các thao tác tư duy thì được gọi là lý thuyết. Ở đây có hai câu hỏi đặt ra, một là tại sao con người lại hay gán cho những quan sát, cảm nhận của mình một ý nghĩa nào đó ? Thứ hai là người ta dựa vào đâu (cơ sở) để hình thành nên những ý nghĩa cho vạn vật ?
Nguồn: Pinterest

Nguồn: Pinterest
Để trả lời cho câu hỏi đầu tiên, chúng ta cần biết được khoa học ra đời để làm gì ? Như đã nói ở trên, thì khoa học là một công cụ. Mỗi một công cụ sẽ phục vụ cho một mục đích nào đó. Vậy thì nhìn vào những gì khoa học đang làm hiện nay, có lẽ bạn cũng biết nó dùng để làm gì. Rút ra quy luật, tiên đoán khả năng, ứng dụng chế tác, sản xuất, kiểm soát bất định, tăng tính ổn định và khiến mọi thứ dễ dàng, thuận tiện, hạnh phúc hơn,… Nếu chỉ ngồi quan sát kiến bò cả ngày rồi lại quay qua ngắm lá rơi cả buổi mà không suy nghĩ, tư duy, hành động thì có lẽ bạn sẽ sống một cuộc sống giống với chú chó Lu hơn là cuộc sống của một người làm việc khoa học.
Với câu hỏi thứ hai, cơ sở nào mà người ta dựa vào, để nói rằng một hiện tượng có một ý nghĩa nào đó ? Khoa học dựa vào một giả thiết, đó là tất định luật, hay quan hệ nhân quả. Như Newton phát biểu trong ba định luật về chuyển động của ông (mà mình đã học hồi lớp 10 á), hoặc như trong Phật giáo thì là “gieo Nhân nào gặt Quả đó”, cũng giống như việc đói thì ăn, khát thì uống, thấy chó dữ thì sợ. Có thể bạn sẽ thấy cái này hiển nhiên quá, vậy thì khoa học đúng là chân lý rồi, nhưng mà bạn ơi, tại sao bạn đói, tại sao bạn khát, tại sao bạn sợ, khoa học vẫn còn đang đi tìm câu trả lời, bạn có thể thấy người ta dùng quan hệ nhân quả để giải thích mọi thứ, và nếu tìm hiểu tận cùng thì vẫn còn đó những câu trả lời dang dở, những khoảng trống chưa được lấp đầy, như thể tầng sâu vô thức mà bạn gặp được trong giấc mơ nói rằng ý thức bạn thật kém cỏi. Nhưng với sự nghi ngờ không giới hạn và cũng không nên bị giới hạn, thì quan hệ nhân quả là một giả thiết vẫn đang tiếp tục được nghi vấn.
Đó, vậy là mình đã viết ra được một số thứ mình đọc hiểu được về khoa học, nhưng mà đây mới chỉ là quan điểm truyền thống. Bạn biết mà, “phản tư và không ngừng phản tư”, thì quan điểm truyền thống trên về khoa học vẫn tiếp tục được xem xét và hiện tại có những phản biện nào, thì mình xin viết tiếp ở phần sau. Còn để biết được tâm lý học có phải là một ngành khoa học hay không thì bạn cần kiên nhẫn xíu hen.
———-
Phần trước đã nói qua khoa học là một công cụ được con người sáng tạo để phục vụ cho mục đích của mình và lý do khoa học hiện nay phổ biến là vì nó là một công cụ mạnh khi kết hợp cả quan sát và tư duy tức – Duy nghiệm và Duy Lý.
Ta có thể thấy hiện nay Tâm Lý học xuất hiện dưới nhiều hình thức học thuyết và phương pháp nghiên cứu khác nhau: tâm lý học hành vi, tâm lý học thần kinh, tâm lý học chức năng, tâm lý học tiến hóa, tâm lý học nhân văn, phân tâm học,…Và với sự đa dạng chứa đựng cả mặt tiêu cực lẫn tích cực này, rất cần thiết để ta xem lại khoa học được ứng dụng trong nghiên cứu tâm lý như thế nào, và có phải chỉ với khoa học thì ta có thể hoàn toàn giải mã được sự phức tạp của tâm lý con người hay không ? Nếu như khoa học với độ tin cậy cao như hiện nay của nó mà lại không thể đưa ra câu trả lời chắc chắn thì thái độ của ta khi học và ứng dụng kiến thức Tâm Lý học ngày nay là như thế nào ?
Nguồn: Unplash.

Nguồn: Unplash.

Karl Popper và sự phân biệt giữa Khoa học với Ngụy Khoa học

Triết gia khoa học này cho rằng một học thuyết khoa học chỉ được công nhận có tính khoa học khi học thuyết đó có thể bị bác bỏ, bị chứng minh là sai. Ta có thể bắt gặp những học thuyết có thể áp dụng để giải thích tất cả hiện tượng theo cách hợp lý và logic, nhưng khả năng dự đoán của nó thì lại yếu hay khó vận dụng để đưa ra dự đoán chính xác, người ta có thể dùng chúng để diễn giải hậu hiện tượng, sự kiện và lúc nào nghe cũng có vẻ đúng. Một ví dụ là Phân tâm của Freud. Có một thời gian, mình thấy rằng khi dùng những kiến thức phân tâm để quan sát thì có vẻ như mọi hành vi của con người đều hợp lý, và do thế, mọi người đều mang những tổn thương, không lành lặn, rồi tiếp đó người bị tổn thương lại đi làm tổn thương người khác, mọi thứ như một sự diễn giải hợp logic đến mức ý chí tự do của con người như bị xếp xó, coi như vứt đi, và người ta có thể miễn trừ trách nhiệm của mình, bởi vì tính nhân quả trong mọi hành vi. Cách tiếp nhận phân tâm lúc đó của mình không ổn và mình đành tạm để nó qua một bên. Một học thuyết khoa học như thuyết tương đối của Einstein, thì có khả năng chứng minh là sai, bởi vì khi dùng nó để dự đoán tự nhiên, người ta có thể quan sát được thực tại diễn ra rồi so sánh với dự đoán của mình và kết luận tính đúng sai. Và không một học thuyết có tính khoa học nào lại không bị bác bỏ. Người ta sẽ tiếp tục quan sát, đến khi một sự cố xảy ra không hợp với tiên đoán, đó chính là lúc cần xem lại học thuyết để đưa ra cách tiếp cận mới.
Nhưng có một hiểu lầm phổ biến cần nắm là mặc dù Popper xếp những học thuyết không thể bác bỏ vào ngụy Khoa học nhưng không có nghĩa ông cho rằng chúng Vô Dụng. Quan điểm của Popper:
Xét dưới khía cạnh lịch sử, tất cả – hay rất gần như tất cả – lý thuyết khoa học đều bắt nguồn từ các huyền thoại, và… một huyền thoại có thể chứa đựng trước các khám phá quan trọng của các lý thuyết khoa học. Như thế tôi (cảm thấy) rằng nếu một lý thuyết bị chứng minh là phi khoa học, hay là “siêu hình”…thì điều đó không có nghĩa rằng lý thuyết ấy không quan trọng, hay không đáng kể, hay “vô nghĩa”, hay “vô lý”.
Ở đây ta có thể thấy rằng, vì Tâm Lý học là một lĩnh vực đa dạng học thuyết và cách tiếp cận khác nhau. Không phải tất cả đều mang tính khoa học nhưng không có nghĩa là chúng ta chỉ dựa vào khoa học mà phủ nhận các học thuyết phi khoa học. Chúng ta cần cẩn thận một điều rằng, tuy khoa học ngày nay có độ tin cậy cao nhưng nó vẫn mang giới hạn nằm trong bản chất của nó là một công cụ của con người tạo ra để khảo sát chính con người, nên chỉ có thể mang tính tiệm cận “chân lý” trong chừng mực khảo sát của con người. Tiếp theo là một triết gia khoa học khác, và ông đã chứng minh khoa học có tính chủ quan cao.

Thomas Kuhn và các hệ hình hay khuôn mẫu trong nghiên cứu Tâm lý học.

Lấy ví dụ như các hiện tượng bệnh lý về tâm thần, như Hysteria chẳng hạn, trước đây khi chưa rõ về hoạt động và sự tồn tại của vô thức nên người ta có xu hướng quan sát những biểu hiện cụ thể đó như các triệu chứng để tìm ra nguyên nhân nằm ở tầng ý thức hay cơ thể vật lý, và ta thấy những giải thích lúc đó còn mang tính định kiến và quy chụp, như là “bệnh phụ nữ”. “thần kinh yếu”,… chúng không cho người ta cái nhìn cụ thể về nguyên nhân để đưa đến giải pháp hiệu quả mà chúng chỉ đơn thuần chỉ ra rằng những hiện tượng đó đơn giản là do nguyên nhân này gây ra, biết vậy là được. Nhưng khi Freud phát biểu quan điểm của mình và xây dựng thành công học thuyết Phân Tâm học thì chúng ta biết đến các tổn thương tâm lý, chấn thương hằn sâu trong vô thức của một người có thể được bộc lộ ra bằng những hành vi cụ thể. Như vậy thì, xét theo dòng lịch sử, ta thấy một hiện tượng sẽ được giải thích bằng nhiều cách khác nhau và dưới các cấp độ khác nhau, tùy vào hoàn cảnh lịch sử đương thời. Kuhn nói rằng khoa học trải qua 3 giai đoạn, đó là tiền khuôn mẫu, khuôn mẫu và cách mạng. Ở tiền khuôn mẫu hay tiền khoa học, ta thấy một hiện tượng có thể được nghiên cứu theo nhiều phương pháp khác nhau – có thể bạn nghĩ tâm lý học đang ở giai đoạn tiền khuôn mẫu, nếu vậy thì đích thị tâm lý học là một khoa học rồi, vì ở đây mình đang nói về các giai đoạn phát triển của khoa học, nhưng để thống nhất lĩnh vực tâm lý trong một khuôn khổ thì có vẻ không thể và cũng không nên.Tiếp tục giai đoạn thứ hai là sau khi một phương pháp nào đó có tính thuyết phục cao sẽ trở nên phổ biến hơn các phương pháp còn lại – lúc này bước vào thời kỳ khoa học. Khi đã trở nên phổ biến rồi và được nhiều người đi theo nghiên cứu sâu, áp dụng để tiếp tục phát triển học thuyết rộng ra thì giai đoạn này gọi là cách mạng – giai đoạn này tồn tại một mâu thuẫn với Popper mà lát mình sẽ đề cập.
Ở đây ta sẽ thấy rằng, khi lựa chọn một phương pháp hay cách tiếp cận vấn đề, điều này phụ thuộc vào chủ quan của nhà nghiên cứu. Một khuôn mẫu hay phương pháp mới ra đời có thể là bước đột phá hay sáng tạo nhưng nó vẫn mang tính chủ quan và được tiếp nối từ lịch sử hay quá khứ. Ví dụ ở Freud là dựa trên những nghiên cứu của Jean-Martin Charcot để đưa ra định nghĩa về hysteria của mình. Hay như Newton nói rằng ông đứng trên vai những người khổng lồ. Quá khứ là một tập hợp khả năng cũng giống như tương lai, nhưng hiện tại mà mỗi người nhìn thấy, mỗi xã hội chứng kiến thì chỉ có một, nếu không có quá khứ thì sẽ không có hiện tại và tương lai, vì thế tuy nói khoa học là sáng tạo, là tìm tòi cái mới thì cũng đúng nhưng trong điều kiện nó đảm bảo tính liên tục của truyền thống, và nên nhận ra rằng, hiện tại mà ta quan sát được, phụ thuộc vào bản chất của ta.

Mâu thuẫn giữa hai triết gia khoa học

Một điều nhận thấy ở Kuhn là ở giai đoạn phát triển thứ ba của khoa học – giai đoạn cách mạng. Ông cho rằng các nhà khoa học đi sau thì ứng dụng khuôn mẫu trong giai đoạn trước để giải thích các hiện tượng, giống như việc giải các câu đố bằng cách vận dụng những nguồn lực có sẵn. Trong khi đó thì Popper không cho rằng khoa học là như thế hay có tồn tại một giai đoạn như thế. Trong định nghĩa về khoa học của Popper thì ông đề cao tính sáng tạo và tính thuần lý (duy lý) của người làm khoa học. Vậy là chúng ta có hai cực đối lập khi một bên cho rằng tôi cần dựa vào những khuôn mẫu để thắp sáng đèn của mình để soi rõ bóng tối, cực còn lại thì nói rằng tôi có thể tự soi rọi, tôi chính là ánh sáng, là đèn.
Tuy nhiên, trên thực tế tính cá biệt của hai quan điểm trên thì còn bàn cãi, nhiều triết gia khoa học khác nói rằng, những tuyên bố đặc trưng cho khoa học thì thường dẫn đến lầm lạc và cứng nhắc. Tính cá biệt ở đây mình viết có ý là phong cách cá nhân và tình huống lịch sử của các nhà khoa học đặc thù không thể bị áp đặt trong những tuyên bố chung có tính trừu tượng. Nhà vật lý Percy W.Bridgman đã từng nói
But … the working scientist … is not consciously following any prescribed course of action, but feels complete freedom to utilize any method or device whatever which in the particular situation before him seems likely to yield the correct answer. … No one standing on the outside can predict what the individual scientist will do or what method he will follow.
Tới đây ta thấy rằng, khái niệm khoa học và nghiên cứu khoa học vẫn còn đang được xem xét nhưng cuối cùng thì quan sát thường nghiệm vẫn là “đỉnh của chóp”, và tất định luận vẫn tiếp tục được giả thuyết.

Cuối cùng thì tâm lý học có phải là một ngành khoa học ?

Hiện tại có ba trường phái hay phạm trù mà các nhà tâm lý lựa chọn khi theo đuổi nghiên cứu, đó là tất định luận, vô định luận và bất tất định luận.
Nếu bạn theo tất định luận thì có thể nói bạn dùng khoa học để khảo sát tâm lý, vì bạn đi tìm nguyên nhân để dẫn tới kết quả là hành vi, và ở đây cái quan trọng là bạn có cách đo lường cũng như dự đoán được hành vi. Nhưng có một số khó khăn mà một nhà tâm lý theo tất định luận gặp phải, đó là tính đa nguyên nhân và cả không có nguyên nhân cụ thể của một số hành vi. Đa nguyên nhân thì dễ hiểu vì một hành vi của con người có thể rất phức tạp và không biết khảo sát từ đâu trong cái mạng lưới chồng chéo nguyên nhân đó, bất kỳ sự xuất hiện yếu tố nào khác bên ngoài các yếu tố được chọn khảo sát đều có thể là nguyên nhân gây nhiễu. Còn vô nguyên nhân thì lại càng dễ hiểu hơn, ví dụ như khi bạn đi du lịch ở nước ngoài và vô tình gặp tiếng sét ái tình ở đó, như phim Before Sunrise á, thì cuộc gặp gỡ định mệnh này sẽ thay đổi toàn bộ cuộc sống của bạn về sau – tính ngẫu nhiên.
Với vô định luận thì xuất phát từ nguyên lý bất định của bên vật lý lượng tử của Heisenberg, này thì mình không hiểu lắm nhưng đại khái thì người quan sát có vai trò quyết định đến kết quả của hiện tượng được quan sát. Nếu bạn dùng vô định luận để khảo sát tâm lí thì bạn không nghĩ rằng có sự chính xác tuyệt đối trong đo lường, bởi vì chính cái mà người ta dùng để khảo sát cũng là một yếu tố gây nhiễu. Nên một số hành vi có nguyên nhân chuyên biệt và không thể biết chính xác.
Bất tất định luận, ở đây không đồng ý với tất định luận và người ta nhấn mạnh đến ý chí tự do của con người, theo hệ hình hiện sinh. Ở đây thì mình vẫn chưa hình dung về nhánh tâm lý nào cụ thể nên nếu ai biết có thể comment một cái tên cho mình tham khảo mình cảm ơn nhiều lắm, một cái mình nghĩ tới là NLP – nhưng không chắc.

Tóm lại là:

Một ngành khoa học thì không phải vì Tâm Lý không chỉ là khoa học, nó là nhiều hơn thế – đa ngành, đa lĩnh vực. Nếu chúng ta khảo sát chính mình thì liệu có nên hay không khi ta phủ nhận tất cả những điều quan sát được nhưng không phù hợp với định nghĩa khoa học hiện tại ? Khoa học của chúng ta có thể chưa phát triển đủ để có thể nói rằng nó là tiêu chuẩn cho mọi tuyên bố, và vì thế nên chúng ta cần những liên ngành khác, những quan sát khác phi khoa học. Còn nếu bạn ở thời đại này mà lại phủ nhận khoa học thì mình cũng không có gì để nói.

Kết: Thinking

Khi một người tìm kiếm, thì thường thường anh ta chỉ thấy có điều mà anh ta tìm kiếm; và anh ta không thể gặp được cái gì, không thể thu nhận được gì, bởi anh ta chỉ nghĩ về điều anh ta đang tìm, bởi anh ta có mục đích, và bị ám ảnh vì mục đích ấy. Tìm kiếm có nghĩa là mục đích, nhưng “gặp” có nghĩa là tự do tự tại, sẵn sàng đón nhận, không có mục đích cố định nào. Hỡi người Sa Môn khả kính, có lẽ ngài quả là một người tìm tòi, vì trong khi cố đạt mục đích, ngài đã không thấy bao nhiêu sự vật trước mắt ngài…” ( Câu chuyện dòng sông – Hermann Hesse, Phùng Khánh, Phùng Thăng dịch )
Nguồn: Unplash.

Nguồn: Unplash.
Tham khảo: stubbornlove58 / Spiderum

Thank you so much