Võ thuật truyền thống Trung Hoa


Nguyễn Quí Jacques và Dufresne Thomas

1) Vài vấn đề danh từ

Trước nhất chúng tôi xin bàn về danh từ “Kung Fu”. Hai chữ “Kung Fu” là phiên âm của hai chữ Gongfu, theo tiếng Hán-Việt là “công phu”.

Theo tiếng Quan Thoại, từ “công phu” thường có những nghĩa như: biệt tài, kỹ thuật đặc biệt của môn phái, hay một công việc đòi hỏi nhiều thời giờ và năng lực.

Theo tiếng Quảng Đông, danh từ “đả công phu” được dùng để chỉ sự luyện tập võ thuật. Vì người tỉnh Quảng Đông sống rất nhiều tại ngoại quốc, và là những người đầu tiên dạy võ Trung Hoa cho người Tây Phương, cho nên ở ngoài Trung Quốc, đặc biệt tại Mỹ, danh từ “công phu” nầy thường sử dụng để chỉ võ thuật Trung Hoa.

Nhưng tại Trung Quốc, ta dùng danh từ Võ Thuật (Wushu), danh từ này đúng hơn vì bao gồm quyền thuật và binh khí.

Người Trung Hoa còn gọi võ thuật của họ bằng những danh từ như: Quốc thuật, Quyền thuật, Kỹ kích.

Còn người Nhật thì dùng hai chữ Kempo (cách đọc theo tiếng Nhật của hai chữ quyền pháp) để chỉ môn võ từ Trung Quốc nhập vào nước họ. Nhưng phải nhắc là phần nhiều những môn võ Kempo hiện nay tại Nhật Bản không có liên hệ với những môn võ đang thịnh hành tại Trung Quốc.

2) Nhiều môn phái

Võ thuật Trung Hoa có rất nhiều môn phái. Tuy không được đầy đủ, chúng tôi cũng kiểm kê ra hơn 350 môn phái khác nhau ! Mỗi môn phái có một tên và những đặc điểm riêng biệt.

Ví dụ: Ưng Trảo Phiên Tử Quyền ưa dùng Ưng trảo thủ để chụp, bắt; Xuyết Cước thường dùng những đòn đá hơn đòn tay…

Tên của một môn phái thường đi kèm với những danh từ như Quyền, Phái, Môn.

Ví dụ: chúng ta có thể nói Thiếu Lâm Quyền, Thiếu Lâm Môn hay Thiếu Lâm Phái.

Nếu chúng ta muốn hiểu sát nghĩa thì khi tên của môn phái kèm với chữ:

– Quyền, đây là muốn nói tới môn quyền thuật của môn phái, không bàn tới khí giới;

– Môn hay Phái là gồm cả quyền, binh khí và phần tập phụ thuộc của môn phái.

Nhưng những võ sư miền Bắc Trung Hoa không chú trọng tới sự chính xác của danh từ và thường sử dụng chữ Quyền để chỉ môn phái.

Điều đáng chú ý là hiện giờ có những môn phái khác hẳn nhau nhưng lại mang cùng một tên ! Một phần là do ngẫu nhiên trùng tên nhưng thường là những môn phái muốn lấy lại tên của những môn võ xưa để tăng phần giá trị cho môn phái họ. Vì vậy hiện có có năm môn tự xưng có gốc từ Nhạc Phi nhưng lại không quan hệ lịch sử!

Một môn phái được sáng lập bởi vị tổ sư dựa theo kinh nghiệm và sự nghiên cứu của người tổ. Và môn phái thường được mật truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Những môn võ Trung Hoa thịnh hành tại Việt Nam là Bạch Mi Quyền, Châu Gia Quyền, Thái Cực Đường Lang Quyền, Đại Thánh Phách Quải Quyền, Hồng Gia Quyền, Mộc Gia Quyền, Thái Gia Quyền, Thái Lý Phật, Dương gia Thái Cực Quyền, Ngô gia Thái Cực Quyền, Vịnh Xuân Quyền…

3) Đầy đủ kỹ thuật

Đặc điểm của võ thuật Trung Hoa là trong mỗi môn phái đều có huấn luyện và áp dụng những kỹ thuật như:

– Đả: tất cả những đòn đánh, đòn đá,

– Cầm nã: bao gồm những kỹ thuật bẻ tay, chụp bắt, điểm huyệt đạo,

– Suất: là những thế vật, quét chân, đánh ngã địch thủ.

4) Chương trình huấn luyện

Mới bắt đầu tập võ phải học qua cơ bản công; cơ bản công là tất cả đòn thế căn bản của môn phái như bộ pháp, thủ pháp, thân pháp… Sau đó luyện tới bài quyền, còn được gọi là lộ.

Mỗi môn phái có chương trình huấn luyện riêng biệt, có bài quyền khác biệt với bài quyền của môn phái khác. Vì vậy việc học cùng một lúc bài căn bản của nhiều môn phái khác nhau không mang tới nhiều lợi ích !

Trong bài quyền, đòn thế được nối liền nhau với một mục đích giáo huấn, hay để đưa ra một phương pháp chiến đấu.

Sau mấy tháng luyện tập, học trò mới được học qua phần chiến đấu tự do còn được gọi là Tán thủ.

Trình độ của học trò càng cao, thì phải học qua:

– Kỹ thuật binh khí cổ truyền,

– Phần Ngoại Công và Nội Công,

– Nguyên tắc phát lực, dụng kình và chiến đấu,

– Ca quyết và bài luận, là bài giảng về lý thuyết của môn phái, như Thái Cực Quyền luận của Thái Cực Quyền,

– Những tự quyết là những danh từ kỹ thuật quan trọng tóm tắt những đòn thế chủ yếu hay những phương pháp chiến đấu của môn phái, như Thập nhị tự quyết của Bắc Phái Đường Lang Quyền.

Nhưng tất cả học trò không được may mắn học tất cả tuyệt kỹ của môn phái. Vì tuyệt kỹ thường chỉ được truyền dạy cho môn đồ kế nghiệp hay cho học trò thân tín nhất…

5) Sự phân chia võ thuật Trung Hoa

Trước hết, chúng tôi muốn đề nghị một phân loại của Võ Thuật Trung Hoa:

– Những môn vật còn được gọi là Suất Giao, là những môn có tính chất thể thao, bao gồm:

* Môn vật Trung Hoa,

* Môn vật Mông Cổ,

* Môn vật của tỉnh Vân Nam…,

– Những môn quyền thuật có tính cách võ dũng, chứa đựng vài thế vật, binh khí và nội công;

– Cầm nã thuật.

Phải thêm vào đó những môn khí công; thịnh hành nhất là:

– Trạm thung công,

– Bát đoạn cẩm,

– Dịch cân kinh hay Dịch cân pháp,

– Ngũ cầm hí,

– Đại nhạn công,

– Hạc tường trang khí công…

Người Trung Hoa có hai cách phân chia Võ Thuật: một cách dựa theo địa thế, một cách dựa theo khuynh hướng.

I- Nam phái và Bắc phái

1) Trình bày

Một tục ngữ mà chúng ta thường nghe trong giới võ thuật Trung Hoa, là “Nam quyền Bắc cước”. Theo tục ngữ đó, phía nam sông Trường Giang (hay Dương Tử Giang) võ phái thường dùng quyền, còn phía bắc sông Trường Giang võ phái chuộng đòn chân. Chúng ta có thể hiểu theo hai nghĩa:

– Quyền thuật phương Bắc sử dụng đòn đá hơn đòn tay, còn quyền thuật phương Nam dùng đòn tay hơn đòn chân;

– Ngược lại với Nam quyền thuật, Bắc quyền thuật dùng chân để phát lực.

2) Luận bàn

Cách phân chia này không được chính xác lắm, vì ta có thể tìm thấy vài trường hợp vượt ra ngoài lệ ấy:

– Hình Ý Quyền là một môn quyền thuật của hai tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây, tức là ở phương Bắc, nhưng lại ít sử dụng đòn đá;

– Môn Bát Cực Quyền cũng vậy;

– Hoàng Phi Hồng (1847-1924), danh tài Nam quyền thuật, nổi tiếng nhờ cước pháp;

– Mạc gia, quyền thuật của tỉnh Quảng Đông, có tiếng nhờ đòn đá,

– Thái Lý Phật, một trong những danh phái tại tỉnh Quảng Đông, có rất nhiều thế đá;

– Hồng Gia, một phái khác của tỉnh Quảng Đông, dùng tấn pháp thật rộng (còn gọi là đại mã), và dùng chân để phát lực;

– Môn Cẩu Quyền, Nam quyền thuật, dựa vào đòn đá để chiến đấu…

Ngoài những trường hợp trên, ta có thể nói là quyền thuật Nam phái sử dụng nhiều đòn tay hơn những môn Bắc phái. Còn võ thuật phương Bắc giàu kỹ thuật hơn: ngoài những đòn đánh hay đòn đá lại có nhiều thế hất, nhiều thế cầm nả tinh xảo…

Nhưng chúng ta không nên coi tục ngữ đó như một sự phân chia chính xác. Đây là một cách vắn tắt một sự kiện bằng bốn chữ “Nam quyền Bắc cước”.

3) Hai sự phân chia khác

Năm 1911, Tinh Võ Thể Dục Hội đề nghị cách sắp xếp theo những con sông quan trọng của Trung Hoa. Cách sắp xếp đó như sau:

-Những môn phái nằm trên vùng đồng bằng sông Trường Giang,

-Những môn phái nằm trên vùng đồng bằng sông Hoàng Hà,

-Những môn phái nằm trên vùng đồng bằng sông Châu Giang.

Vì những trao đổi văn hóa và kỷ thuật lúc xưa thường theo dòng sông mà lưu hành.

Theo chúng tôi nghĩ, nếu muốn được chính xác hơn, ta phải sắp xếp võ thuật Trung Hoa theo những trung tâm phát triển. Những môn quyền cùng một nơi sẽ ảnh hưởng lẫn nhau.

Những trung tâm phát triển danh tiếng của võ thuật Trung Hoa là:

-Tung Sơn tại tỉnh Hà Nam,

-Quán huyện và Lao Sơn tại tỉnh Sơn Đông,

-Thương Châu tại tỉnh Hà Bắc,

-Quảng Châu và Phật Sơn tại tỉnh Quảng Đông,

-Tuyền Châu tại tỉnh Phúc Kiến,

-Nga Mi tại tỉnh Tứ Xuyên, vân vân…

Chúng tôi nêu ra vài thí dụ:

– Ngũ đại danh gia của tỉnh Quảng Đông: Hồng gia, Lưu gia, Lý gia, Mộc gia, Thái gia;

– Tám môn phái chính của tỉnh Tứ Xuyên: Đổ Môn, Hóa Môn, Hội Môn, Hồng Môn, Nhạc Môn, Tăng Môn, Triệu Môn, Tự Môn;

– Những môn phái của tỉnh Phúc Kiến như Hổ Hình Quyền, Vĩnh Xuân Bạch Hạc Quyền, Thái Tổ Quyền…;

– Những môn phái của tỉnh Hà Bắc như Yến Thanh Quyền, Thông Bối Quyền, Phách Quải Quyền…

– Những môn phái của tỉnh Sơn Đông như Đường Lang Quyền, Tôn Tân Quyền, Thái Tổ Quyền…

II- Nội Gia và Ngoại Gia

1) Trình bày

Từ thế kỷ thứ 19, theo một truyền kỳ, võ thuật Trung Hoa được chia ra hai khuynh hướng đối nghịch nhau:

– Quyền thuật thuộc Nội Gia bao gồm:

* Thái Cực Quyền

* Bát Quái Chưởng

* Hình Ý Quyền

lại có học giả thêm vào đó:

* Những quyền thuật thuộc núi Võ Đang

* Lục Hợp Bát Pháp Quyền

– Và quyền thuật thuộc Ngoại Gia bao gồm tất cả những môn quyền pháp còn lại.

Nhiều giải thích được nêu ra:

– Những môn Nội Gia Quyền gốc từ núi Võ Đang và những môn Ngoại Gia Quyền xuất từ núi Tung Sơn; người ta còn gọi Nội Gia Quyền là Võ Đang Môn và Ngoại Gia Quyền là Thiếu Lâm Môn.

– Nội Gia Quyền dùng Khí và Ngoại Gia Quyền dùng Lực

– Động tác trong Nội Gia Quyền mềm dẻo và chậm đều, động tác của Ngoại Gia Quyền cương ngạnh và nhanh lẹ.

– Nội Gia Quyền thủ nhiều hơn công, Ngoại Gia Quyền công nhiều hơn thủ.

– Nội Gia Quyền xuất từ Đạo gia, Ngoại Gia Quyền gốc từ Phật gia.

2) Luận bàn

Nhưng khi xét kỹ lại:

– Ba môn chính trong Nội Gia không có gốc từ núi Võ Đang (Thái Cực Quyền xuất từ tỉnh Hà Nam, Hình Ý Quyền từ tỉnh Sơn Tây, Bát Quái Chưởng từ tỉnh Hà Bắc),

– Những môn này không phải những môn duy nhất sử dụng Nội Công.

– Trong Nội Gia có môn Hình Ý Quyền dùng động tác nhanh lẹ và cương ngạnh.

– Nội Gia Quyền chỉ mới hấp thụ lý thuyết Đạo gia sau này.

– Có những môn thuộc Ngoại Gia không xuất phát từ chùa Thiếu Lâm.

– Ngoại Gia Quyền không chỉ chú trọng luyện Lực mà còn luyện Nội Công (theo truyền thống của Thiếu Lâm Quyền, môn phái vừa cương vừa nhu, có nội và ngoại công),

– Trong Ngoại Gia có vài môn chủ trương động tác nhu nhuyễn.

– Ngoại Gia Quyền không xuất phát cả từ Phật gia.

và để cho một ví dụ:

– Chiến đấu pháp của Hình Ý Quyền (thuộc Nội Gia) rất tương tự với chiến đấu pháp của Bát Cực Quyền (thuộc Ngoại Gia);

3) Nghiên cứu lịch sử

Chúng ta phải phân biệt ra hai Nội Gia Quyền: một võ phái và một nhóm bao gồm ít nhất ba võ phái.

a) Nội Gia Quyền cổ truyền

Theo tài liệu gần đây, danh từ Nội Gia bắt nguồn từ văn hào kiêm triết học gia Hoàng Tông Hy (1610-1695), và được ông ghi lại trong bài “Vương Chinh Nam mộ chí minh” viết vào năm 1669.

Nội Gia Quyền vào thời đó là tên của một võ phái với lý thuyết đối lập với lý thuyết của Thiếu Lâm Quyền (dĩ tĩnh chế động, dĩ khí vận lực, dĩ nhu khắc cương, hóa kình, vân vân…). Theo Hoàng Tông Hy, người tổ khai sáng môn phái là Trương Tam Phong, một đạo sĩ danh tiếng tại núi Võ Đang (vào thế kỷ thứ 12 hay 15, vì có hai đạo sĩ trùng tên sống vào hai thời đại khác nhau).

Để đáp lại với núi Tung Sơn, núi của Phật Giáo, người ta đã đưa ra núi Võ Đang, núi của Đạo Giáo. Và người đã đối nghịch Đạt Ma (thế kỷ thứ 6), một tăng sĩ, với Trương Tam Phong, một đạo sĩ.

Như vậy Vương Chinh Nam (1617-1669), Hoàng Tông Hy và con của Tông Hy là Hoàng Bách Gia (1634-?) có luyện Nội Gia Quyền. Và Hoàng Bách Gia có truyền lại quyển “Nội Gia Quyền pháp”, một quyển sách đã ảnh hưởng rất nhiều môn Nội Gia hiện đại.

Cho tới nay, ta tưởng là môn Nội Gia Quyền đã bị thất truyền. Nhưng vào đầu thế kỷ thứ 20, Trần Hiểu Đông (1871-1934) và Vương Vệ Thận công khai truyền dạy chi phái Tòng Khê Nội Gia Quyền…

b) Nội Gia Quyền hiện đại

Sự phân chia này xảy ra tại Bắc Kinh, vào năm 1894, khi Bát Quái Quyền sư Trình Đình Hoa (1848-1900) (đệ tử của Đổng Hải Xuyên, người sáng lập ra Bát Quái Chưởng), Hình Ý Quyền sư Lưu Vĩ Lan, Lý Tồn Nghĩa (1847-1921) và Dương gia Thái Cực Quyền sư Lưu Đức Khoan (?-1911) (đệ tử của Dương Lộ Thiền) đề nghị hợp ba môn quyền thuật này lại làm một môn phái riêng biệt lấy tên là Nội Gia Quyền…

Sau đó Tôn Lục Đường (1861-1933), đệ tử của Trình Đình Hoa, trong quyển sách “Bát Quái Quyền học”, xuất bản vào năm 1916, xác nhận là Trương Tam Phong là tổ của môn Nội Gia Quyền, và ghi là Thái Cực Quyền, Hình Ý Quyền và Bát Quái Chưởng thuộc môn Nội Gia.

Vào năm 1921, Hứa Vũ Sinh trong quyển “Thái Cực quyền thế đồ giải”, cho Trương Tam Phong là tổ của môn Thái Cực Quyền. Và ông lại nhập cây phả hệ của Thái Cực Quyền vào cây phả hệ của Nội Gia Quyền.

Ông cho là Vương Tông, thuộc Nội Gia Quyền, học trò của Trương Tam Phong (thế kỷ thứ 15) là Vương Tông Nhạc (thế kỷ thứ 18). Nhưng Vương Tông là người tỉnh Thiểm Tây sống vào thế kỷ thứ 15 còn Vương Tông Nhạc là người tỉnh Sơn Tây sống vào thế kỷ thứ 18 !

Hứa Vũ Sinh cho bắt nguồn từ Vương Tông Nhạc hai chi phái:

– Nam phái Thái Cực Quyền với những danh sư của Nội Gia Quyền như Trần Châu Đồng (thế kỷ thứ 16), Trương Tòng Khê (thế kỷ thứ 16), Diệp Cận Tuyền, vân vân, ba người nầy đều là người tỉnh Triết Giang,

– Bắc phái Thái Cực Quyền với những danh sư của Thái Cực Quyền như Tưởng Phát (thế kỷ thứ 16 và 17), Trần Trường Hưng (thế kỷ thứ 18), người tỉnh Hà Nam, Dương Lộ Thiền, người tỉnh Hà Bắc, vân vân…

Và từ đó, gần như ai cũng xác nhận là Thái Cực Quyền là thuộc Nội Gia đối lập với Thiếu Lâm Quyền, thuộc Ngoại Gia.

Tuy vậy vào năm 1939, Hứa Vũ Sinh trong quyển “Thái Cực Quyền”, đính chính sự sai lầm trong cuốn sách trước của ông.

Sự phân tách hiện đại của võ thuật Trung Hoa ra hai đại môn phái Nội Gia và Ngoại Gia phát xuất từ một sự ngụy tạo hóa lịch sữ võ thuật Trung Hoa, chứ không dựa vào nguyên tắc hay phương pháp luyện tập khác biệt, như ta có thể lầm tưởng !

4) Kết luận

Để kết thúc phần nầy, chúng tôi xin tóm tắt lại:

– Nội Gia Quyền hiện nay bao gồm ba môn phái chính: Thái Cực Quyền, Bát Quái Chưởng và Hình Ý Quyền

– Ngoại Gia Quyền: Các môn phái còn lại.

III-Lịch sử quyền thuật Trung Quốc, những giai đoạn quan trọng

1- Khởi nguyên có môn vật

Vết tích khảo cổ xưa nhất về quyền thuật Trung Hoa là một cây lược bằng gỗ; trên cây lược nầy có khắc hình hai người, mình trần, đang ôm vật dưới sự giám định của một trọng tài. Cây lược này được tìm thấy vào năm 1975 trong ngồi mộ thời triều đại nhà Tần (221-207 trước CN).

Thời nhà Hán (206 trước Tây Lịch-220 sau CN), môn vật lấy tên là Tương Phốc (Xiangpu) (Tương Phốc có nghĩa là xô đẩy lẫn nhau). Hai chữ Xiangpu đọc theo tiếng Nhật là Sumo, như vậy môn Sumo hiện nay có thể cho ta một khái niệm về môn vật của Trung Hoa thời nhà Hán. Vả lại những lực sĩ môn Tương Phốc thời nhà Đường (618-907) mang y phục của những lực sĩ môn Sumo hiện nay.

Dưới thời nhà Tống (960-1279), những võ sĩ mới bắt đầu mang áo để tiện níu kéo. Như vậy những kỹ thuật đấu vật thời đó từ từ biến đổi và giống những kỹ thuật đấu vật hiện nay.

2- Quyền thuật dưới triều đại nhà Minh

Mãi cho tới triều đại nhà Minh (1368-1644) quyền thuật mới thịnh hành và phát triển nhờ có phong trào mại võ: trường võ dạy lấy tiền được mở ra cho công chúng.

Trước đó quyền thuật chỉ dành riêng cho những người sống về nghề võ: võ sư, quân lính, hiệp sĩ, tiêu sư,…

Văn nhân, nhà sư trước đó ham chung múa võ khí, lúc này lần lần học quyền thuật.

Vào khoảng 1550, một trong ba đại văn hào thời đó, Đường Thuận Chi (1507-1560) soạn quyển Võ Biên, một phần ghi lại những môn quyền thuật phổ biến lúc đó. Khoảng mười năm sau, vào 1562, Thích Kế Quang (1528-1588) một trong những đại danh tướng của lịch sử Trung Hoa, xuất bản quyển Kỷ Hiệu Tân Thư, trong đó cả một chương được dành để ghi lại môn quyền thuật của ông.

Thích Kế Quang có công đánh đuổi bọn cướp biển Nhật Bản (được gọi là Nụy Khấu) hoành hành dọc bờ biển Trung Hoa. Để huấn luyện quân sĩ, ông lựa chọn những đòn thế đơn giản, nhưng rất hữu hiệu. Quân của ông có tiếng là trăm trận trăm thắng !

Cùng một thời, danh tướng Du Đại Du (1503-1579) ghi lại trong quyển “Kiếm kinh”, xuất bản năm 1565, nguyên tắc chiến đấu côn pháp; hầu hết môn phái hiện đại đều lấy lại nguyên tắc đó để áp dụng vào quyền thuật.

Khoảng năm1600, quyền thuật chùa Thiếu Lâm bắt đầu danh tiếng. Trước đó chùa chỉ nổi tiếng về côn pháp.

3- Từ thế kỷ thứ 17 tới thế kỷ thứ 19

Thế kỷ thứ 17 là một thời kỳ hưng thịnh của quyền thuật Trung Hoa, nhiều danh tài xuất hiện:

– Trần Vương Đình (1600-1680), chỉ huy dân quân của huyện Ôn, thuộc tỉnh Hà Nam, sáng lập Thái Cực Quyền.

– Cơ Tế Khả (1602-1683), thuộc tỉnh Sơn Tây, lập ra Tâm Ý Quyền, sau được gọi lại là Hình Ý Quyền.

– Phương Thất Nương, một cô gái người tỉnh Phúc Kiến, sau khi nhìn một con hạc trắng bay nhảy, chế ra Bạch Hạc Quyền, và dạy môn này tại huyện Vĩnh Xuân.

Rồi có những nhân vật như:

– Ngô Chung (1712-1802), người Hồi Giáo thuộc tỉnh Hà Bắc, lập Bát Cực Quyền.

– Trần Hưởng, người tỉnh Quảng Đông sống vào thế kỷ thứ 19, sáng lập lúc ông chỉ 30 tuổi, môn Thái Lý Phật Quyền.

– Đổng Hải Xuyên (1797-1882) truyền bá môn Bát Quái Chưởng tại Bắc Kinh…

Vào năm 1894, tại Bắc Kinh, bốn võ sư đề nghị hợp những môn võ họ đang dạy lại thành một môn mà họ gọi là Nội Gia. Bốn người đó là:

– Trình Đình Hoa (?-1900) thuộc Bát Quái Chưởng,

– Lưu Vĩ Tường thuộc Hình Ý Quyền,

– Lưu Đức Khoan (?-1911) thuộc Dương gia Thái Cực Quyền,

– Lý Tồn Nghĩa (1847-1921) thuộc Hình Ý Quyền và Bát Quái Chưởng.

4- Loạn Quyền Phỉ

Vào cuối thế kỷ thứ 19, Nghĩa Hòa Đoàn là một hội có chủ trương giải thoát nước Trung Hoa khỏi sự xâm chiếm của ngoại quốc. Hội viên là những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, được huấn luyện cấp tốc vài thế võ. Phần đông đều học qua môn Thần Quyền. Môn quyền nầy nhờ sự cầu thần nhập vô người hội viên để che chở họ, dao đâm không lủng, súng bắn không trúng… Diễn biến cho thấy là sự thật nghịch hẳn với sự chờ đợi của họ ! Những phần tử nầy được trang bị côn, đao, kiếm và sau đó được thêm một ít súng đạn.

Vào tháng 6 năm 1900, một số đông hội viên với sự trợ giúp của quân đội nhà Thanh, vây khu sứ quán (Đông giao dân hạng) tại Bắc Kinh. Cho tới 55 ngày sau, nhằm ngày 15 tháng 8, quân đi của tám nước (đó là Bát Quốc Liên Quân gồm: Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga Sô, Nhật Bản, Ý Đại Lợi và Áo) chiếm thành Bắc Kinh, dẹp tan những người nổi loạn. Giai đoạn nầy của lịch sử Trung Hoa có tên là Loạn Quyền Phỉ.

5- Hai hội võ vào đầu thế kỷ thứ 20

Dưới sự ảnh hưởng về tổ chức của Tây Phương, chính phủ Trung Hoa đã đứng ra hệ thống hóa võ thuật nhằm dễ phổ biến. Hai hội võ được khai trương:

– Tinh Võ Thể Dục Hội tại Thượng Hải vào năm 1909,

– Trung Ương Quốc Thuật Quán tại Nam Kinh vào năm 1927.

Thời bấy giờ, ai muốn học võ phải tìm một người thầy chấp nhận mình, một công trình không dễ, tuy là có nhiều trường võ đã mở. Hai hội nêu trên lần đầu tiên phổ thông võ thuật, ai muốn học thì chỉ cần tới hội ghi tên.

Hai hội này sửa đổi lại võ thuật để biến thành một môn thể thao. Bộ pháp được hạ thấp, đòn thế được đơn giản hóa.

Kể từ năm 1911, Tinh Võ Thể Dục Hội bắt đầu mở chi nhánh khắp nước Trung Hoa, tại Singapore, Malaysia, T.PHồ Chí Minh,…

Hai hội lựa chọn vài bài quyền trong những môn phái dạy tại đây (Đàm Thoái, Mê Tông Quyền, Đường Lang Quyền, Thiếu Lâm Quyền…) để lập một chương trình riêng cho mỗi hội.

Môn võ hình thành tại Nam Kinh Trung Ương Quốc Thuật Quán được gọi là Trường Quyền nhưng có vài người đứng đầu hội cho đó là Thiếu Lâm Quyền ! Họ đã lạm dụng tên của hai môn võ danh tiếng thời xưa.

Ta phải công nhận là sự hệ thống hóa theo Tây Phương này có nhiều khía cạnh tốt. Nhờ đó mà những bậc thầy có dịp trao đổi kỹ thuật và ý kiến. Thêm vào đó, Đường Hào (1897-1959), thuộc ban quản trị của hội, viết ra nhiều quyển sách với cái nhìn khách quan về lịch sữ võ thuật Trung Hoa, phân biệt truyền kỳ và lịch sử.

6- Lôi đài

Vào năm 1928, tại Nam Kinh, Trung Ương Quốc Thuật Quán tổ chức lần đầu tiên một cuộc thi võ tập trung võ sĩ toàn quốc (Quốc Thuật Quốc Khảo). Cuộc thi đấu diễn trên Lôi Đài không phân hạng cân, không mang bao tay. Nhưng vì quá nhiều võ sĩ bị thương, ban tổ chức đành phải hỏi những võ sĩ còn lại bầu võ sĩ vô địch! Người được bầu là Chu Quốc Phúc (1891-1968), người tỉnh Hà Bắc, thuộc phái Hình Ý, La Hán, Suất Giao và Bát Quái.

7- Phong trào “Tân Võ Thuật”

Phong trào cách tân võ thuật bắt đầu tại hai hội võ từ đầu thế kỷ XX, được tiếp tục trong thập niên 1950. Vào năm 1956, UBTDTT Trung Quốc lập ra môn Trường Quyền, một tổng hợp của những môn quyền thuật thịnh hành trong Hồi dân. Môn quyền thuật này bỏ phần nhiều đòn thế chiến đấu để giữ lại và thêm vào những động tác mang tính chất biểu diễn. Xin nhắc lại là môn Trường Quyền này không có liên hệ với môn Trường Quyền của Nam Kinh Trung Ương Quốc Thuật Quán, hay với những môn Trường Quyền cổ xưa ! Môn Trường Quyền sáng tạo vào năm 1956 tương tự với môn thể thao nhào lộn, môn quyền này có tổ chức những cuộc biểu diễn bài quyền với trọng tài chấm điểm, y hệt như ta thường thấy với môn nhào lộn ! Những “võ sĩ” của môn Trường Quyền thường ít biết áp dụng đòn thế họ đã học qua.

Cùng một năm, môn Thái Cực Quyền được đơn giản hóa, trên tiêu chuẩn của Dương gia Thái Cực Quyền, để hình thành bài Giản Hóa Thái Cực Quyền gồm 24 thức.

Từ đó nhiều môn phái khác được chế hoặc sửa đổi: Nam Quyền, Đường Lang Quyền, Túy Quyền, Hầu Quyền, Xà Quyền, Địa Tranh Quyền…

8- Phong trào “Kung-Fu”

Phong trào “Kung-Fu” (Công Phu) du nhập phương Tây vào thập niên 1970. Sự kiện bắt đầu với những phim võ thuật của tài tử người Mỹ gốc Hoa, Lý Tiểu Long (Bruce Lee, 1940-1973). Lý sáng chế môn Tiệt Quyền Đạo (Jeet Kune Do), một môn quyền pha trộn giữa Quyền Anh, Vịnh Xuân Quyền, Túc Quyền Đạo (Taekwondo), vài thế từ nhiều môn quyền thuật khác nhau. Ở phương Tây, người ta đã lầm tưởng là tài tử Lý Tiểu Long sử dụng võ thuật Trung Hoa, và từ đó phong trào “Kung-fu” bành trướng.

Chúng ta từng đọc qua chuyện môn Bạch Hạc Quyền và sư tổ Ngũ Mai sư bá. Và một thời sách võ có chép lại truyền thuyết này. Nên trong giới võ thuật ai đều tin chuyện Ngũ Mai sư bá luyện Bạch Hạc Quyền tại tỉnh Vân Nam.

Sự thật Ngũ Mai sư bá chỉ là một nhân vật tiểu thuyết. Quyển “Càn Long tuần hạnh Giang Nam ký”, xuất bản cuối thế kỷ thứ 19 tại Thượng Hải, lần đầu tiên kể chuyện Ngũ Mai đánh thắng Lôi Lão Hổ trên lôi đài. Sau đó, trong “Lã Mai Nương” của Tề Phong Quân, nhân vật Ngũ Mai làm chưởng môn Bạch Hạc.

Trên thực tế, chúng tôi chỉ tìm ra hai môn Bạch Hạc. Hai môn này đều thịnh hành tại miền Nam Trung Quốc.

Môn thứ nhất gốc từ tỉnh Phúc Kiến, huyện Vĩnh Xuân, nên có tên Vĩnh Xuân Bạch Hạc Quyền, được sáng lập bởi Phương Thất Nương vào thế kỷ thứ 17. Phương Thất Nương và chồng, Tăng Tứ, có hai mươi tám học trò được gọi là “Nhị thập bát anh tuấn”, nổi bật nhất trong đám là Trịnh Lễ (1654- ?).

Trịnh Lễ là người sau đó phát triển mạnh môn phái, ông có rất nhiều học trò toàn tỉnh Phúc Kiến. Trong môn đồ thế hệ sau, có nhiều người đỗ Võ trang nguyên hay Võ Tú tài. Môn Bạch Hạc là một trong những đại môn phái của Phúc Kiến.

Về sau năm chi phái khác được khai sáng, đó là Phi Hạc (con hạc bay), Minh Hạc (con hạc hót), Tông Hạc (con hạc rung thân), Thực Hạc (con hạc ăn) và Túc Hạc (con hạc ngủ).

Vĩnh Xuân Bạch Hạc Quyền có đặc điểm của các môn phái tỉnh Phúc Kiến. Môn sinh tiến lên đường chính diện để tấn công địch thủ, giữ đường đó để phòng thủ (tung tý ngọ môn biến hóa). Vì chuyên cận chiến nên tìm cách niêm tay địch, theo dính cho tới lúc tìm được sơ hở (vô kiều đả xuất kiều, lâm kiều bất ly kiều), niêm được thì phá tay địch rồi tấn công (hữu kiều tựu phá kiều).

Nguyên tắc “thôn thổ phù trầm” là nền tảng của môn phái: vì đánh cận chiến nên phải dùng cột xương sống trồi lên sụp xuống, hợp với hít thở để phát lực.

Và lúc ra đòn thì miệng hét (dĩ thanh trợ lực), đây là một trong những đặc điểm của các môn phái vùng Quảng Đông, Phúc Kiến…

Một trong những bài quyền của môn phái có tên là Tam chiến quyền, tên này được tìm thấy trong hầu hết các môn phái tỉnh Phúc Kiến. Võ thuật đảo Okinawa, vì ảnh hưởng bởi võ của tỉnh Phúc Kiến, nên có bài Sanchin, Sanchin là phát âm tiếng Nhật của hai chữ Tam chiến.

Xin nói thêm về đặc điểm riêng của mấy chi phái thành lập sau này:

– Phi Hạc chuyên về bộ pháp, rất linh động như hạc bay, và ưa dùng đòn chân.

– Minh Hạc vừa đánh vừa phát tiếng, mủi hít miệng hô, như chim hót.

– Tông Hạc phát lực dùng hết thân mình, nên thân rung chuyển.

– Thực Hạc chuyên dùng chân và chỉ, đặc biệt mấy ngón tay chúm lại, như mỏ con chim đang ăn, để tấn công.

Môn Bạch Hạc khác, được nhà sư Tinh Long truyền tại tỉnh Quảng Đông vào đầu thế kỷ thứ 19, chia thành 4 chi phái:

-Bạch Hạc Quyền,

-Hiệp Gia,

-Sư Tử Hống

-Lạt Ma Quyền.

Một trong những học trò của Tinh Long là Vương Ẩn Lâm, tên thật là Phi Long, nổi danh tỉnh Quảng Đông, thuộc “Thập hổ Quảng Đông “, cùng thời với Thiết Kiều Tam, Hoàng Kỳ Anh (cha của Hoàng Phi Hồng, danh sư môn Hồng Gia).

Những môn nầy có đặc điểm của môn võ tỉnh Quảng Đông. Tất cả đều sử dụng bộ pháp rộng, đánh dài (trường kiều đại mã), và chuyên dùng eo để trợ lực, hai cánh tay phát động như hai cây roi.

9) Hình Ý Quyền, nguồn gốc và chi phái

Nguồn gốc:

Hình Ý Quyền là một trong ba môn võ hiện được xếp trong Nội Gia mà truyền thuyết cho xuất phát từ núi Võ Đang. Sự thật môn Hình Ý Quyền, lúc đầu mang tên Lục Hợp Quyền, bắt nguồn từ Cơ Tế Khả, biệt danh Long Phong (1602-1683), người tỉnh Sơn Tây. Tài liệu có ghi lại là Cơ Tế Khả có viếng chùa Thiếu Lâm. Hiện nay tại chùa vẩn còn lưu truyền bài Tâm ý bả, với đòn thế rất giống môn Hình Ý hiện đại.

Cơ Tế Khả có hai học trò Tào Kế Võ và Trịnh lão sư.

Tào Kế Võ là một vị tướng dưới triều Hoàng đế Khang Hy (1662-1772), và dạy cho hai anh em Đới Long Bang (khoảng 1713-1802) và Đới Lăng Bang, người tỉnh Sơn Tây.

Còn Trịnh Lão sư dạy cho Mã Học Lễ (khoảng 1715-1790), người tỉnh Hà Nam.

Từ hai nhân vật Đới Long Bang và Mã Học Lễ, môn phái chia thành ba chi nhánh.

Từ Mã Học Lễ bắt nguồn chi phái Hà Nam, lấy tên Tâm Ý Lục Hợp Quyền. Ông chỉ truyền dạy cho người đạo Hồi. Lự Khao Cao (1873-1963) là người đầu tiên dạy ngoài giới Hồi giáo.

Đới Long Bang dạy hai con trai là Văn Lương và Văn Huân, và Lý Lạc Năng (khoảng 1808- 1890), biệt danh Năng Nhiên.

Đới Văn Lương và Đới Văn Huân chỉ dạy trong gia đình, và cho con trai. Cho tới Đới Khôi (1874-1951), vì không có con trai nên mới chịu truyền ra ngoài dòng tộc. Nhờ vậy chi phái Sơn Tây, mang danh là Tâm Ý Quyền, mới được phổ biến sau này.

Lý Lạc Năng sau khi học với Đới Long Bang, trở về Hà Bắc và thâu học trò tại đây. Từ đó bắt nguồn chi phái Hà Bắc, với tên là Hình Ý Quyền. Chi nhánh nầy được nhiều người theo học và được biết hơn hai chi phái kia. Vào cuối thế kỷ thứ 19, Lý Tồn Nghĩa (1847-1921) và Lưu Vỹ Tường thành lập với hai võ sư Thái Cực Quyền và Bát Quái Chưởng, môn Nội Gia Quyền. Từ đây bắt đầu sự lầm lẫn với môn Nội Gia xưa ghi lại bởi Hoàng Tông Hy (1610-1695), và người ta đều nghỉ là Nội Gia bao gồm ba môn Hình Ý Quyền, Thái Cực Quyền và Bát Quái Chưởng !

Đặc điểm:

Chiến đấu pháp của Hình Ý Quyền có thể tóm gọn trong hai câu: “Mạn công trực thủ, hậu phát tiên chí” (tấn công nhanh trên đường thẳng, đi sau tới trước), “Thiếp thân kháo đả, dĩ đoản chế trường” (Đến sát thân địch vừa hất vừa đánh, dùng đòn ngắn thắng đòn dài). Vì môn đồ Hình Ý Quyền chuyên đánh trên đường thẳng, nhập vào trung môn (chánh diện), nên không cho địch thủ có cơ hội phát triển đòn công và tuy ra đòn sau nhưng đòn lại tới trước. Khi tới sát địch thì hất hay đánh. Chi phái Hà Nam chuyên về hất. Nhưng lúc địch thủ nhanh hơn, thì môn sinh Hình Ý Quyền chạy tấn công bên hông.

Kình lực được phát huy qua sự phối hợp giữa bộ tiến, eo xoay, cột xương sống trôi lên sụp xuống và đòn tay đánh tới.

Tuy là môn phái miền Bắc Trung Quốc nhưng sử dụng nhiều đòn tay hơn đòn đá. Đòn đá lại không quá bụng. Đòn thế lúc phát thì có kình.

Chi phái Hà Bắc đòn thế ngắn gọn, đơn giản dựa trên 17 thế căn bản là Ngũ Hành quyền và Thập nhị Hình quyền. Những bài quyền có Ngũ hành liên hoàn quyền, Thập nhị hình quyền, Tạp thức trùy, Tứ bả quyền, Thập nhị hồng trùy…

Chi phái Sơn Tây giống chi nhánh Hà Bắc hơn. Chương trình huấn luyện bao gồm Ngũ hành quyền, Thập đại hình, Giao tế tứ bả, Ngũ thãng hạp thế…

Chi nhánh Hà Nam thì khác hẳn hai hệ phái trên, đòn thế rộng hơn, mạnh bạo hơn, căn bản chỉ có Thập đại Hình Quyền. Quyền thuật có những bài Thập đại hình, Tứ bả trùy…

10) Thái Cực Quyền, sơ lược các chi phái và đặc điểm

Hiện nay có 5 chi phái Thái Cực Quyền. Trong đó môn của dòng họ Trần là gốc của tất cả các chi phái khác.

Môn Thái Cực Quyền được truyền dạy bởi Trần Vương Đình (1600-1680), người làng Trần Gia Câu, tỉnh Hà Nam. Những môn võ chính ông đã học qua là môn do đại tướng Thích Kế Quang (1528-1588) dạy trong quân đội, và môn Thiếu Lâm Quyền dạy tại chùa Thiếu Lâm ở tỉnh Hà Nam. Môn ông dạy sau đó có tên là Trần thị Thái Cực Quyền (Thái Cực Quyền của gia đình họ Trần) để phân biệt với các chi nhánh thành lập sau.

Môn này chỉ truyền trong gia đình Trần cho tới mấy đời sau, Trần Thanh Bình (1795-1868) di cư và dạy tại Triệu Bảo Trấn, chi phái lưu truyền tại đây có tên là Triệu Bảo Thái Cực Quyền.

Cùng một thời, một nô bộc của gia đình họ Trần, Dương Lộ Thiền (1799-1872) học với Trần Trường Hưng (1771-1853), rồi dạy môn Thái Cực tại Bắc Kinh. Môn của ông, Dương thị Thái Cực Quyền, thịnh hành nhất và được làm tiêu chuẩn cho sự sáng tạo bài 24 thức Giản hóa Thái Cực Quyền sau này.

Vũ Vũ Tường (1812-1880) một học trò của Dương Lộ Thiền, tới Triệu Bảo trấn luyện với Trần Thanh Bình, sau trở về Bắc Kinh sáng lập hệ phái Vũ thị Thái Cực Quyền.

Một đệ tử khác của Dương Lộ Thiền, Toàn Hữu (1834-1902), người Mãn Châu, sau cải tên là Ngô Toàn Hữu, là sáng tổ của môn Ngô thị Thái Cực Quyền.

Cuối cùng, Tôn Lục Đường (1861-1932), một danh thủ hai môn Hình Ý Quyền và Bát Quái Chưởng, đệ tử đời thứ hai của Vũ thị Thái Cực Quyền, tổng hợp ba môn võ để lập chi phái Tôn thị Thái Cực Quyền.

Trên lý thuyết, 5 môn Thái Cực Quyền đều có đặc tính cương nhu, nhưng trong thực tế, chỉ có Trần thị Thái Cực Quyền còn giữ sự luân phiên của Cương và Nhu, của Nhanh và Chậm.

Thái Cực Quyền của họ Trần còn truyền lại hai bài quyền, đệ nhất lộ và đệ nhị lộ. Bài thứ nhất chứa đựng nhiều động tác, như quay tơ, xen lẫn với vài động tác phát kình. Những động tác nhu có tính cách hàm chứa kình lực hay là thế thủ hóa giải thế công của địch, còn động tác nhanh là để phóng kình lực tấn công địch thủ. Bài thứ nhì, còn tên là Pháo chùy, có nhiều đòn thế phát kình hơn, và đánh với tốc độ nhanh hơn bài thứ nhất.

Môn Thôi thủ là phần tập quan trọng của môn phái, vì chủ luyện niêm thủ thính kình. Niêm thủ là hai tay dính hai tay địch cốt tìm hiểu kình lực đối phương, và tìm sơ hở để thủ thắng. Nói một cách tượng trưng, luyện bài quyền là cốt để biết mình, còn tập Thôi thủ là biết địch thủ. Vì theo Tôn Tử, “Biết người biết ta, trăm trận không nguy” (tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi).

Phần binh khí bao gồm đơn kiếm, song kiếm, đơn đao, song đao, đại đao, thương, can (trường côn), song giản…

Năm môn kia chỉ còn đệ nhất lộ. Phần thôi thủ không khác nhau lắm. Còn binh khí chỉ trong bài kiếm là ta có thấy nguồn gốc xưa, những bài võ khí khác đều là chế biến của các danh sư đời sau nhằm bổ túc môn phái họ.

11) Triệt Quyền Đạo, nguồn gốc và đặc điểm

Năm 1972, phim “Đường sơn đại huynh” đã phát hiện Lý Tiểu Long cho giới hâm mộ phim quyền cước. Và khán giả hân hoan được biết ông vừa là một tài tử có trình độ võ thuật vừa là sáng tổ môn Triệt Quyền Đạo (Jeet Kune Do). Xin trở lại nguồn gốc.

Lý Tiểu Long (1940-1973), tên thật là Lý Chấn Phan, học với Diệp Vấn – Vịnh Xuân Quyền. Sau anh có dịp tham khảo những môn Thất Tinh Đường Lang Quyền, Thái Lý Phật, Thái Cực Quyền, Tae Kwon Do, Quyền Anh…

Diệp Chuẩn có kể vì cha ông từ chối truyền lại những phần cuối của môn Vịnh Xuân cho Lý, nên anh mới có ý định sáng lập ra môn Jeet Kune Do. Tên của môn phái có từ 1967.

Jeet Kune Do, theo Hán-Việt, là Triệt Quyền Đạo. Như tên cho ta biết, môn này chú trọng đặc biệt tới nguyên lý “triệt”. Nguyên lý nêu được áp dụng trong những môn võ Trung Hoa hình thành dưới triều đại nhà Minh (1368-1644).

Trong thực dụng, triệt là chặn đòn địch trước khi đòn được phát triển tới mức tối đa, tức không cho địch phát huy kình lực. Như vậy, ta chỉ cần một chút lực là kềm chế được một địch thủ mạnh hơn ta. Có hai trường hợp:

– Lúc thủ thì thế đỡ tiếp xúc với đòn địch khi đòn vừa mới phát ra,

– Lúc dùng công phá đòn công của địch thì nhanh hơn địch dùng một đòn đấm đánh vẹt đòn địch ra ngoài trung tâm tuyến, hay một cú đạp chặn địch không tới gần ta được.

Đặc điểm khác của Triệt Quyền Đạo, thoát thai từ đặc điểm trước, là niêm thủ. Niêm thủ là hai tay dính liền với hai tay địch hầu tạo sơ hở để ta tấn công vào, đúng theo sở trường của hai môn Vịnh Xuân và Thất Tinh Đường Lang Quyền. Nhằm mục đích ấy thủ pháp thường dùng trong Triệt Quyền Đạo là Lập thủ của Vịnh Xuân và Thiêu thủ của Thất Tinh Đường Lang. Và phương pháp “nhất phục nhị” làm chính: ta dùng một tay chế ngự hai tay địch, tay ta còn lại tấn công đối thủ. Phương pháp này thịnh hành trong nhiều môn phái Trung Hoa, không riêng trong Vịnh Xuân Quyền.

Đặc điểm quan trọng của Triệt Quyền Đạo là không bị gò bó trong khuôn khổ của phương pháp nhất định. Thường ta đều có phản ứng nhất định theo phương pháp của phái ta đã học. Triệt Quyền Đạo dạy ta phải thay đổi phương pháp tùy theo trường hợp. Vịnh Xuân Quyền có châm ngôn: “Dĩ vô pháp thắng hữu pháp”. Và Lý Tiểu Long có viết: “Dĩ vô pháp vi hữu pháp, dĩ vô hạn vi hữu hạn”.

Trên thực tế, anh đã chọn lọc thế từ những môn mà anh đã có dịp tham khảo qua và phối hợp với Vịnh Xuân. Lúc đầu, anh dạy bài Vịnh Xuân Tiểu Niệm Đầu làm căn bản cho môn Triệt Quyền Đạo. Nhưng sau đó bài không được dạy nữa và toàn môn phái chỉ là thế của nhiều môn phái khác pha trộn vào phương pháp Niêm thủ của Vịnh Xuân.

Những thế thường dùng trong môn phái của Lý Tiểu Long là:

– Nhật tự xung quyền (đòn đấm thẳng),

– Băng trùy hay Quải trùy (đòn đánh bật lưng nấm tay),

– thế Jab của Quyền Anh,

– thế uppercut của Quyền Anh,

– đòn đấm móc của Quyền Anh,

– đòn đá thẳng,

– đòn đạp,

– thế đá vòng…

Phần binh khí còn truyền lại là Song tiết côn hay Côn nhị khúc (Nunchaku Okinawa), song đoản côn Philipines.

Ông chỉ có một số đệ tử tại Mỹ, những người đó là: Lee Dan (sinh năm 1930), Lee James, Glover Jessie, Hart Ed, Hartsell Larry, Kimura Taky, Wong Ted, Inosanto Dan (sinh năm 1936)…

Hiện tại, Inosanto Dan là truyền nhân hoạt động mạnh nhất. Ông đã thêm vào môn Triệt Quyền Đạo nhiều kỹ thuật Kali và Eskrima của Philipines.

Môn Triệt Quyền Đạo thịnh hành tại Mỹ Châu và Âu Châu.

Nguoidentubinhduong tham khảo tại đây : https://www.maxreading.com/sach-hay/tu-lieu-vo-thuat/vo-thuat-truyen-thong-trung-hoa-phan-1-31217.html

One thought on “Võ thuật truyền thống Trung Hoa

Thank you so much