Góc khuất game online


Cái chết của bé trai 5 tuổi ở Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu (Nghệ An) do một học sinh lớp 11 nghi nghiện game bạo lực gây ra, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng nghiện game online trong giới trẻ. Thực tế, con đường từ “game thủ” đến tội phạm rất mong manh, đã có không ít hậu quả đau lòng xảy ra.

Bạn trẻ nghiện game online có thể gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và cộng đồng Ảnh: Như Ý
Bạn trẻ nghiện game online có thể gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và cộng đồng Ảnh: Như Ý

Bài I: Công cụ giải trí hay ma túy số?

Game online ra đời với mục đích cung cấp kênh giải trí cho người dùng mạng. Nhưng những biến tướng của nó với nội dung cổ xúy bạo lực, đồi trụy khiến nhiều người thành con nghiện game, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân như trầm cảm, tự tử mà còn có hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Mất sự nghiệp vì nghiện game

Trong cuộc đời khám bệnh của mình, bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 gặp nhiều trường hợp đáng tiếc do nghiện game. Trường hợp bệnh nhân (BN) ở Gia Lâm, Hà Nội – người được ông điều trị nghiện game từ nhiều năm trước khiến ông nhớ mãi. 
BN này học rất giỏi, từng nhận học bổng du học tại Singapore. Theo học được thời gian nhà trường trả về vì có nhiều biểu hiện bất thường. BN được đưa vào khám tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, các bác sĩ nhận định, tình trạng nghiện game nặng dẫn đến hành xử bất ổn, rất dễ bị kích động. Sau thời gian điều trị thành công, BN đi học trở lại, tốt nghiệp, có việc tại công ty ở nước ngoài. Tuy nhiên, BN sau đó tái nghiện game đến mức bị sa thải.

Cũng theo bác sĩ La Đức Cương, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp từng có thành tích học tập tốt, thông minh nhưng nghiện game quá nặng, dẫn đến những triệu chứng tâm thần bất ổn. Nhiều trường hợp trầm cảm, tự tử vì nghiện game.Anh Nguyễn Thanh Hùng (ở Hà Nội), một người chơi game chia sẻ, game có nhiều loại, có những game mang tính trí tuệ cao, đòi hỏi người chơi phải suy nghĩ rất nhiều; có loại nhẹ nhàng, giải trí rất tốt. Anh Hùng lý giải, khi chơi game bạo lực, người chơi được trải nghiệm cảm giác mạnh. Vì vậy, nhà phát hành không ngừng tạo ra các game bạo lực, chém giết nhằm thỏa mãn, kích thích cảm giác của người chơi. Bên cạnh đó, lợi ích kinh tế cũng khiến nhiều người chơi game, bởi khi lên một đẳng cấp mới, người chơi có thể kiếm được tiền từ việc bán vật phẩm trò chơi.

Game không xấu nhưng không dễ quản lý

Chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Mạnh Hưng chia sẻ, nhìn ở góc độ tích cực, game là công cụ giải trí, thậm chí là bộ môn thể thao điện tử vì chơi game đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố như chiến thuật chơi, phản ứng của cơ thể (ngón tay, cánh tay điều khiển) cho đến độ ổn định tâm lý. Phần đông người chơi game là để giải trí.

Anh Hưng cho rằng, việc nghiện game phản ánh một trạng thái tâm lý không bình thường, hay xảy ra với đối tượng mới lớn, đang phát triển tâm sinh lý. Ở độ tuổi này trẻ ganh đua để đạt được thứ hạng cao trong game là một cách thể hiện bản thân. “Game phát hành trong nước được kiểm soát về nội dung vì được kiểm duyệt và dán nhãn. Tuy nhiên, rất nhiều game người dùng tải về được phát hành lậu trên các chợ ứng dụng như Google Play và App Store, khó kiểm soát”, anh Hưng cho biết.Theo báo cáo của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), một số trò chơi điện tử phát hành xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam thông qua App Store và Google Play Store, có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

Trong đó nhiều game có yếu tố cờ bạc, đổi thưởng, bạo lực, hình ảnh hở hang, dung tục, vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam, thậm chí xuất hiện cả những game xuyên tạc và vi phạm lịch sử nước ta.Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã đề xuất áp dụng các biện pháp kinh tế, kỹ thuật cứng rắn như không được kết nối thanh toán cho các game vi phạm pháp luật, game không phép đang phát hành trên AppStore và Google PlayStore. Trường hợp không chấm dứt được, sẽ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định.Tuy nhiên, chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Mạnh Hưng cho rằng, nếu chỉ đổ lỗi cho nhà phát hành game là không đúng hoàn toàn. Nhiều game dán nhãn 18+, tức chỉ dành cho người trưởng thành nhưng nhiều trẻ em vẫn chơi. Điều này có phần lỗi của gia đình như sự thiếu quan tâm, chia sẻ của bố mẹ, không đồng hành cùng con.

Game online vẫn gây tranh cãi
Game online manh nha xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2003 cùng với sự phát triển của internet. Đến nay, tại Việt Nam, game online phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn là một lĩnh vực gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng đây là một ngành công nghiệp số, cần tạo cơ chế khuyến khích phát triển như nhiều quốc gia đã làm. Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại xuất phát từ các bậc phụ huynh, người làm công tác giáo dục về tác động xấu của game online đến giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Ở góc độ khoa học, các chuyên gia đánh giá, game online gây nghiện bởi khi thắng não bộ tiết ra chất gây hưng phấn. Game tạo cảm giác khao khát chinh phục, thể hiện bản thân cũng như nhu cầu làm chủ bản thân. Ngoài ra, những xung đột tâm lý trong tuổi dậy thì cũng là nguyên nhân dẫn đến nghiện game như thích thể hiện cái tôi cá nhân nhưng không được gia đình ủng hộ, cảm giác cô đơn, bất mãn trong cuộc sống.

NGUYỄN HOÀI


Góc khuất game online: Đánh cắp tương lai

Ban đầu chỉ là chơi để giải trí, song chơi nhiều thành nghiện, khiến kết quả học tập sa sút, sức khỏe suy giảm, thậm chí bị đuổi học. Game online đang đánh cắp tương lai của nhiều bạn trẻ.

Game thủ đang cày tại một quán internet trên đường La Thành Ảnh: Đ.V
Game thủ đang cày tại một quán internet trên đường La Thành Ảnh: Đ.V

Ðã nghiện rồi đâu có dễ bỏ!

Thi đậu vào một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội, N.T.Đ (19 tuổi, quê Thái Bình) từng là niềm tự hào của gia đình. Thế nhưng khi bước chân vào cánh cửa đại học, có nhiều thời gian rảnh, Đ. bắt đầu mon men tìm đến game online. Ban đầu Đ. chỉ chơi cho vui, giết thời gian rảnh sau những giờ trên lớp. Nhưng càng chơi càng mê, Đ. dành thời gian cho game online nhiều hơn là học.

“Sau giờ học mình lại ra quán net để “chiến đấu” cùng anh em, chứ ở phòng trọ thì chán lắm. Chơi game giúp giảm căng thẳng, lúc đói thì mua bánh mì ăn, mệt thì ngả ghế ra ngủ, cứ để chế độ auto cho nhân vật tự hoạt động. Ngủ nghỉ xong rồi lại “chiến” tiếp. Mình còn nhận “cày” thuê game cho người khác để kiếm thêm tiền”, Đ. nói.

Có bao nhiêu tiền gia đình gửi lên cho Đ. ăn học cậu cũng đầu tư hết vào game với hy vọng “sau có thể bán lại đồ game kiếm tiền”. Lợi ích của game thì chưa thấy, thế nhưng những tác hại đã hiện rõ. Nghiện game lâu ngày đã biến Đ. thành một người khác, người gầy hốc hác, da đen sạm, ẩn sau cặp kính dày cộp là đôi mắt lờ đờ, quầng mắt thâm đen vì thiếu ngủ. Lực học sa sút, số tín chỉ nợ nhiều đến mức có lần Đ. bị cảnh báo học vụ.

“Mình nghiện game lúc nào không biết nữa. Trong mơ nói sảng mình cũng gọi tên các nhân vật trong game, hò hét đồng đội. Tính cách mình cũng thay đổi hẳn, hay cáu gắt với bạn bè, thậm chí cả bố mẹ. Nhiều lúc mình cũng muốn từ bỏ nhưng bước chân ra khỏi cổng trường là chạm mặt, bị bủa vây bởi những quán game. Những lời lôi kéo của bạn bè khiến mình chùn bước”, Đ. chia sẻ.

N.T.A (22 tuổi, quê Hà Nam) từng đỗ vào trường Đại học Mỏ – Địa chất với số điểm cao chót vót, thế nhưng cậu không thể kiềm chế trước sự hấp dẫn, lôi kéo của những quán game online trước cổng trường đại học. Chỉ sau hơn một năm học A. đã bị đuổi vì bỏ học quá nhiều.

“Đỗ đại học với điểm cao mình đã “ngủ quên trên chiến thắng”, sa đà vào ăn chơi và game online. Lúc đầu nghĩ chỉ là thả lỏng bản thân sau hơn một năm vất vả ôn thi đại học. Nhưng càng chơi càng mê muội, mình đầu tư vào game nhiều hơn, có nhân vật đến cả chục triệu đồng. Đầu tư tiền với mục đích trình của bản thân cao hơn, đồng thời phục vụ cá cược. Hình thức cá cược trong game gần giống như cá độ bóng đá. Số tiền cá cược từ vài trăm nghìn đến vài triệu, trận nào lớn có thể lên đến hàng chục triệu đồng”, A. cho biết.

Từ nghiện game, A. dấn thân vào những trận cá cược đỏ đen. Thua nhiều hơn thắng, A. phải đi vay lãi. Khi lên năm hai đại học cũng là thời điểm cậu phải bỏ học vì nợ tiền và nợ tín chỉ. “Đây là quãng thời gian đen tối nhất của mình, không dám về nhà, không dám đối mặt với sự thật. Nghĩ đến hình ảnh mẹ ở nhà mình cũng muốn từ bỏ, nhưng đã nghiện rồi thì đâu có dễ”, A. chia sẻ.

Bố A. mất sớm, mẹ phải tần tảo sớm hôm chăm mấy sào ruộng để có tiền gửi cho con ăn học. Nhiều khi đến tháng không đủ tiền, mẹ phải bán đàn lợn đi để đủ tiền gửi cho A. ăn học. Giờ mẹ A. vẫn chưa biết đứa con của mình bị đuổi học.

Nhấn chìm tương lai trong những trò chơi bạo lực

Theo chỉ dẫn của Đ. và A., tôi tìm đến một “quán quen” của các game thủ trên đường La Thành, khu vực gần trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tôi thực sự sững sờ trước cảnh tượng ở đây còn đông sinh viên hơn cả một giảng đường đại học. Căn nhà 2 tầng với khoảng 50 máy tính gần như không còn chỗ trống. Không khí ngột ngạt khói thuốc lá pha lẫn mùi mì tôm, và kèm theo cả những câu chửi tục tĩu của những game thủ. Hơn 23 giờ đêm, các game thủ vẫn miệt mài bên màn hình máy tính với những trò chơi bắn giết ảo. Đ. cho biết, với nhiều sinh viên đầu tư vào game ban đầu chỉ là tiền sinh hoạt phí, tiền học nhưng khi cần thì “máy tính, xe máy, giấy tờ tùy thân… cứ cõng nhau ra tiệm cầm đồ”. Cuối tháng về lấy đủ lý do xin tiền gia đình để chuộc ra. 

Đi một vòng quanh các trường đại học, cao đẳng, trường THPT, ký túc xá, khu trọ sinh viên,… chúng tôi bắt gặp các quán game online mọc lên như nấm. Chỉ riêng trên đường Tạ Quang Bửu, đường Trường Chinh, Trần Đại Nghĩa, gần các trường đại học: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Xây dựng đã có đến hàng chục quán game online.

Như con thiêu thân, nhiều bạn trẻ đang đốt sức khỏe, thời gian, tiền bạc của gia đình vào những trò chơi thâu đêm suốt sáng. Hôm sau đến lớp thiếu ngủ, tiếp thu bài kém, kết quả học tập sa sút, sức khỏe suy giảm. Họ giam cầm chính bản thân và nhấn chìm tương lai trong những trò chơi bạo lực, sau cánh cửa sắt của phòng game.      

Xung quanh trường THCS Văn Quán, trường THPT Hà Đông (Hà Nội) có tới 7 quán game online phục vụ chủ yếu là học sinh. Hầu hết các quán game đều có chương trình quảng cáo, lời mời hấp dẫn, phục vụ khách 24/24. Ban ngày các quán này hoạt động công khai, ban đêm cửa đóng nhằm che mắt cơ quan chức năng nhưng bên trong vẫn phục vụ tận tình thượng khách.

ĐỨC VĂN


Chuyên gia “cai nghiện” game online: “Tôi từng chuyển nhiều ca sang bệnh viện tâm thần”

Ngỡ rằng những “giá” quá đắt ở trên sẽ không có ai dại dột mà đánh đổi. Thật bất ngờ, mặc cho nhiều biện pháp mạnh tay lẫn mang tính chất răn đe được đưa ra, thực trạng nghiện game online ở tuổi học trò tại Việt Nam vẫn ở mức báo động.

Tác hại của nghiện game: Nhiều và ngày càng khó lường

Dân cư mạng vẫn không khỏi bàng hoàng về vụ sự việc nam thanh niên 17 tuổi bắt trói, bỏ đói một em bé 5 tuổi gây tử vong vì nghĩ rằng mình đang thực hiện một nhiệm vụ trong game online tại Nghệ An gần đây. Đây không là hồi chuông “cảnh tỉnh” đầu tiên với hậu quả nghiêm trọng vì nghiện game online. Thực tế, không chỉ trong nước, nhiều nước trên thế giới cũng xuất hiện nhiều trường hợp đau lòng tương tự.

Nhưng điều đó dường như vẫn không đủ sức để “thức tỉnh” những con “nghiện” game online.

Trong buổi tọa đàm “Nghiện game online – Hậu quả khôn lường” do báo Tiền Phong tổ chức, diễn ra tại trường THPT Thành Nhân (Q.Gò Vấp, TP.HCM), Thạc sĩ Nguyễn Thị Huỳnh An (giảng viên bộ môn Tâm lý trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) chia sẻ:“Có thể phân loại các tác hoại do nghiện game thành nhiều cấp độ, từ nhẹ đến đặc biệt nghiêm trọng. Đầu tiên, người nghiện game sẽ bị phân tán trong học tập, dẫn đến kết quả sa sút vì tốn năng lượng cho “cày” game.

Kế tiếp, sức khỏe của các bạn bị trực tiếp ảnh hưởng, gây ra các bệnh về cột sống, thị lực, trí nhớ,… Ở trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, người nghiện game có thể bị biến dạng nhân cách. Chưa kể những hệ lụy như ảnh hưởng tài chính gia đình, hạnh phúc gia đình… Các bạn mải mê giá trị “ảo” mà đánh mất nhiều giá trị thật trong cuộc sống.

Thạc sĩ – Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm (giảng viên trường Đại học An ninh Nhân dân, TP.HCM) nói ngắn gọn: “Nghiện game là nguyên nhân dẫn đến ba cái nghèo: Nghèo vật chất (mất tiền của), nghèo trí tuệ (suy giảm trí nhớ) và nghèo tình cảm (gây rạn nứt mối quan hệ bạn bè, người thân, thầy cô…)”.

Thầy Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS) – trung tâm chuyên tiếp nhận các trường hợp về nghiện game kể: “Nghiện game không chừa bất cứ ai. Thậm chí, tôi từng tiếp nhận một trường hợp là một nam sinh viên ngành Kỹ sư điện giỏi ba thứ tiếng. Anh chàng co thể chỉ ăn một ổ bánh mì trong ngày và chơi game liên tục 20 tiếng đồng hồ. Những trường hợp nặng như không thể chơi game sẽ đập phá mọi thứ, tôi buộc thuyên chuyển qua bệnh viện khoa tâm thần để điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca (Trưởng khoa Tâm thần bệnh viện 175, TP.HCM) nói về dấu hiệu nhận biết của một người nghiện game: “Bồn chồn, uể oải và chỉ khi được chơi game mới tỉnh táo.” 

Nghịch lý nan giải trong vấn nạn “nghiện game”

Nói về việc quản lý game và các vấn đề liên quan nhằm ngăn chặn nghiện game, ông Lê Minh Dũng (Trưởng phòng Bưu chính – Viễn thông, Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM): “Bộ Thông tin – Truyền thông đăc biệt quan tâm vì đây là vấn nạn của quốc gia. Một điểm sáng trong việc ngăn chặn nghiện game chính là quán net – địa điểm yêu thích của người nghiện game đã thoái trào. Năm 2010, 4000 điểm đăng ký kinh doanh dịch vụ internet thì hiện tại chỉ còn 1200 điểm. Tuy nhiên, công nghệ phát triển dẫn đến thay đổi thói quen game của giới trẻ. Giới trẻ dễ dàng chơi game trên điện thoại hay máy tính cá nhân”.

Khảo sát nhanh tại trường THPT Thành Nhân (Quận Gò Vấp, TP.HCM) cho thấy đa số các bạn đều từng chơi game và hiếm ai có thể bỏ gameMột khảo sát nhanh tại buổi tọa đàm, khi được hỏi bạn học sinh nào đã từng chơi game thì cả trường hầu như đều giơ tay. Có đến 80% học sinh cho biết hay chơi tại nhà. Khi được hỏi ai có thể bỏ game thì hiếm hoi cánh tay được giơ lên. 

Thầy cô và gia đình chung tay đẩy lùi bệnh “nghiện game”

Thạc sĩ – Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm (giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân, TP.HCM) chia sẻ cách ngăn ngừa nghiện game: “Không nhìn thấy game sẽ không thèm chơi game. Cách tốt nhất là không tải bất kì game nào trong điện thoại. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết vẫn là sự quan tâm của người lớn. Tôi cấm học sinh của tôi chơi game dù được phép mang điện thoại bên người. Phụ huynh cần thay đổi thói quen cho con chơi game mỗi khi bận.” 

Anh Lê Bá Long (Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Công nghiệp, TP.HCM) chia sẻ những phương pháp độc đáo: “Tôi thường cập nhật trend trong các hoạt động ngoại khóa, sự kiện để thu hút sự chú ý của học sinh, sinh viên.”Các khách mời – chuyên gia của buổi tọa đàm “Nghiện game online – Hậu quả khôn lường”.Bạn có thể xem toàn bộ buổi tọa đàm “Nghiện game online – Hậu quả khôn lường” tại đây:

WANN


Góc khuất game online: Nguy hiểm hơn ma túy

Ngày 16/6, tại tọa đàm “Nghiện game online – hậu quả khó lường” do báo Tiền Phong tổ chức tại TPHCM, nhiều ý kiến chia sẻ về nạn nghiện game online trong một bộ phận giới trẻ đã gây ra nhiều hậu họa khôn lường cho xã hội và chính bản thân, gia đình, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp ngăn chặn vấn nạn này.

Các em học sinh hào hứng với nội dung của buổi tọa đàm Ảnh: Ngô Tùng
Các em học sinh hào hứng với nội dung của buổi tọa đàm Ảnh: Ngô Tùng

Ðối tượng nghiện game đa số là người trẻ

Phát biểu khai mạc, nhà báo Lý Thành Tâm, Trưởng cơ quan Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM cho biết, sau thời gian cách ly do dịch bệnh COVID-19, nhiều sinh viên, học sinh sa đà vào game online (G.O). Cách đây không lâu ở Nghệ An, một nam sinh lớp 11 vì nghiện game, bắt cóc gây ra cái chết thương tâm cho bé trai 5 tuổi. Đối tượng nghiện game đa số là người trẻ, học sinh, sinh viên.

Ông Tâm nhấn mạnh:  “Chơi game là để giải trí chứ không phải trở thành con nghiện, gây ra những hệ lụy và những vụ việc đau lòng như vừa qua”.

Tại tọa đàm, B.N (học sinh Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao  -IVS) nói G.O có khả năng gây nghiện như ma túy. Ngày trước, nghe trên mạng xã hội nói có nhiều game thủ chơi rồi trở thành cao thủ, kiếm được tiền từ G.O nên N và một số bạn bắt đầu chơi game để kiếm tiền. N kể: Ban đầu chơi 8 tiếng/ngày, dần dần chơi quên ăn quên ngủ. Sau đó tôi bỏ nhà đi. Bố mẹ tìm về nhốt trong nhà thì tôi lại tìm cách trốn ra ngoài, trong người chỉ có 50.000 đồng, chơi được một buổi thì hết tiền”.

B.N được gia đình đưa vào trường cai nghiện game. Sau hơn nửa năm cai nghiện, N. dần quên được G.O. N. chia sẻ: “Chỉ vì mê game mà mình bỏ gia đình, bỏ đi ước mơ, bỏ cả tương lai. Nếu không sớm nhận ra và không được các thầy cô quan tâm thì bây giờ có thể mình đang sống lang thang ở một nơi nào đó, hoặc chết ở đâu đó rồi”.

Ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS) cho hay đã cùng ăn, cùng ngủ với người nghiện game và thấy rằng khi một ai đó chơi G.O thì rất khó để dừng. Con cháu trong nhà mà nghiện game thì ông bà, cha mẹ có nói gì cũng như “nước đổ lá môn”. Thầy cô giáo dùng các hình phạt nặng để xử lý học sinh nghiện game thì chỉ càng làm các em chán nản, nghỉ học. Đã nghiện G.O mà không biết cách chữa trị thì rất khó xử lý. Một số gia đình phải cho con đi du học cũng với lý do con ở trong nước bỏ bê học hành, sa đà vào những cuộc chơi không lành mạnh, trong đó có G.O.

“Một người nghiện game chẳng khác gì nghiện ma túy. Tôi mong các em học sinh nếu có chơi game thì chỉ chơi ở mức giải trí, thời gian tối đa là 30 phút và chọn những trò chơi nhẹ nhàng, vui nhộn khai thông trí lực, tuyệt đối tránh chơi game bạo lực”, ông Lê Anh nói.

TS. Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân cho rằng tác hại của G.O thậm chí còn nguy hiểm hơn ma túy. Dùng ma túy thì ngay lập tức lãnh hậu quả nhưng với G.O, đến thời điểm nghiện thì gần như không còn đường lùi. Càng “lậm” game, những mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ tình cảm sẽ dần biến mất, quên bố mẹ, gia đình, người thân, bạn bè…

Chống nghiện game, cách nào?

Ths Nguyễn Thị Huỳnh An, giảng viên bộ môn Tâm lý Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chỉ ra nghiện game ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập. Khi người chơi game nhập tâm vào thế giới ảo, sẽ dần tách rời xã hội bên ngoài và luôn cảm thấy thế giới bên ngoài chẳng có gì thú vị. Người chơi game sẽ rơi vào cô đơn, dẫn đến bệnh trầm cảm, tâm thần…

ThS Bùi Quang Trung, Trưởng phòng Truyền thông và Marketing Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nói G.O được phát triển với tốc độ rất nhanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người chơi. Nhiều bạn trẻ khi nghiện sẽ quên ăn quên ngủ. Với những cách chơi như vậy sẽ gây nhiều hậu quả xấu cho chính những người nghiện game.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân cho rằng cần tìm hướng xử lý để kịp thời ngăn chặn nạn nghiện game ngay từ gốc. “Tọa đàm của báo Tiền Phong, tôi cho rằng rất hữu ích không chỉ cho học sinh mà còn cho cả thầy cô giáo. Từ đó, chúng ta có những giải pháp hiệu quả nhất trong việc giáo dục con em, nhất là học sinh, sinh viên”, ông Độ nói.

Ths. Lê Bá Long, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Công nghiệp TPHCM đề xuất, ngoài việc tuyên truyền những tác hại của nghiện G.O, nhà trường cần tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động mang tính mềm mại, không khô khan để tránh nhàm chán, thu hút sự quan tâm của các em học sinh, sinh viên. Trường tổ chức những buổi tọa đàm nhỏ để qua đó tạo điều kiện cho các em học sinh sinh viên giao lưu, tiếp thu những chia sẻ mang tính tích cực.

Theo thiếu tá Nguyễn Văn Đức, Trợ lý Thanh niên Bệnh viện Quân y 175, đối với học sinh, sinh viên, nhà trường cần có những chương trình dã ngoại, thể thao để giúp học sinh, sinh viên có sân chơi, không tìm đến các trò chơi gây hại. “Cần tổ chức các hoạt động nhân ái để giúp học sinh, sinh viên cảm thấy yêu đời, không còn thời gian rảnh để nghĩ về những trò chơi không lành mạnh”, thiếu tá Đức đề xuất.Diễn giả chia sẻ những hệ quả khôn lường đến từ game online.

Khởi tố nam sinh nghiện game sát hại bé trai 5 tuổi

Ngày 16/6, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Đào Ngọc Hoàng (nam sinh lớp 11, trường THPT Quỳnh Lưu 4, trú tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu) về tội danh “Giết người”. 

Theo công an, Đào Ngọc Hoàng nghiện các loại game bạo lực, có nội dung bắt cóc, tống tiền, trinh thám… Vì ám ảnh, Hoàng nghĩ ra việc bắt cóc và giấu bé Đ. vào chỗ hoang vắng để khi gia đình nạn nhân tổ chức tìm kiếm đối tượng này sẽ giả vờ tìm thấy, giải cứu để lập công. Sau khi giấu cháu Đ. ở ngôi nhà hoang, Hoàng thấy gia đình, chính quyền địa phương ráo riết tìm kiếm nên hoảng sợ, không dám thông tin về cháu Đ. Sau khi phát hiện bé Đ.  tử vong, Hoàng đã đưa thi thể nạn nhân ra bờ suối, cách nhà hoang khoảng 100m.

Cơ quan điều tra cũng đã triệu tập bạn và mẹ của nghi phạm Đào Ngọc Hoàng để phục vụ công tác điều tra. Thời điểm phát hiện thi thể bé H.V.Đ. trong tư thế bị trói 2 tay, miệng bị nhét miếng vải xé ở tay áo và dán nhiều lớp keo dính. Bé tử vong vào khoảng 13h-14h (ngày 8/6), trong bụng có miếng xúc xích chưa tiêu hóa. Quanh hiện trường có 2 hộp sữa và 3 chiếc xúc xích, trong đó, 1 chiếc xúc xích đã được ăn hết. Trên người bé Đ. không có vết thương hay tác động ngoại lực. Nguyên nhân tử vong do ngạt khí.

Cảnh Huệ

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Ca, Trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175, nghiện game dẫn đến nhiều bệnh. Ngồi chơi game quá lâu, các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể xảy ra như chuyển hóa đường, mỡ dẫn đến béo phì. Cơ quan sinh dục sẽ bị giảm cung cấp máu do tư thế ngồi lâu dẫn đến vô sinh. Người chơi game bị giảm trí nhớ, cảm xúc bị biến đổi dẫn đến bồn chồn khó chịu, cáu kỉnh, nhân cách bị biến đổi. Game tạo cho người chơi cảm giác chiến thắng ảo, ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ đang phát triển. Trong khi đó, hiện nay, TPHCM chưa có nhiều cơ sở điều trị phù hợp với cai nghiện game.

Hội thảo có sự đồng hành, tài trợ của nhiều đơn vị như Trường THPT Thành Nhân; Công ty Xử lý chất thải Việt Nam; Công ty Merap Group và trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Có thể bị phạt đến 3 triệu đồng

Theo ông Lê Minh Dũng, Trưởng phòng Bưu chính-Viễn thông Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, người chơi không chấp hành quy định về quản lý giờ chơi tại điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 – 1 triệu đồng. Ngoài ra, người chơi game bị phạt từ 2 – 3 triệu đồng nếu có hành vi mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng, lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia…

NHÓM PV


Góc khuất game online: Nơi tìm lại chính mình

Từ những lần chơi vui 1-2 tiếng, các cô cậu học trò nghiện game online lúc nào không hay. Nghiện đến nỗi nhập tâm, tưởng mình là siêu anh hùng, chuyên gia đại tài… trong các game nhập vai. Ðó là tình trạng của nhiều học viên khi đến cai nghiện tại Trường Phổ thông nội trú IVS (Q.12, TPHCM).

Các thầy cô quản nhiệm luôn gần gũi mỗi ngày để giúp các em sớm thoát khỏi “bóng ma” game online

                        Ảnh: NGÔ TÙNG
Các thầy cô quản nhiệm luôn gần gũi mỗi ngày để giúp các em sớm thoát khỏi “bóng ma” game online Ảnh: NGÔ TÙNG

Bị bố mẹ nhốt vẫn trốn đi chơi game

T.D.H (17 tuổi) chơi game từ năm học lớp 2, khi được bố mẹ trang bị cho dàn máy tính tại nhà. Từ lúc chỉ “chơi cho vui” 1 – 2 tiếng những ngày đầu, H. dần bị trò chơi điện tử cuốn hút và tăng dần thời lượng chơi game.

Đã có thời gian được bố mẹ, bạn bè khuyên nhủ H. bỏ game một thời gian. Nhưng rồi chính những hấp lực từ thế giới ảo trong game và sự thiếu bản lĩnh của bản thân khiến H. tiếp tục lún sâu vào game. Đỉnh điểm, khi lên cấp 3, H. chơi game từ 10 – 12 tiếng/ngày. Để có tiền chơi game, H. nhiều lần lấy trộm tiền của bố mẹ.

H. cho biết, cày game quá lâu khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần căng thẳng. Những cuộc nói chuyện, trao đổi với bố mẹ trở nên khó khăn, bất đồng. “Giọt nước tràn ly”, 8 tháng trước, gia đình H. buộc phải đưa cậu con trai nghiện game này vào Trường IVS. Sau quãng thời gian “cách ly hoàn toàn” với game, giờ đây H. đã đổi thay rất nhiều.

“Lúc trước em khó có thể chia sẻ, nói chuyện với chúng bạn, còn bây giờ em hòa đồng, hoạt bát. Tinh thần cũng vui vẻ hơn nhiều. Ngoài ra còn hình thành được những sở thích tốt cho bản thân như đọc sách hay chơi thể thao. Quan trọng là em thấy mình trưởng thành, biết suy nghĩ về công việc tương lai, về gia đình nhiều hơn”, H. chia sẻ.

B.N cai game được 2 năm nay kể, cô chơi game từ 8 – 12 tiếng/ngày với những trò phổ biến giới trẻ lâu nay như Liên minh, PUBG, FIFA. Những ngày không đi học thì N. chơi xuyên đêm. “Do áp lực chuyện học tập mà em phải chơi game để giải tỏa. Game cũng phải dùng trí óc để chơi, chơi được giao lưu với mọi người trên mạng khiến mình thấy vui hơn”, N. lý giải.

Nghiện game, không có tiền N. từng bỏ học và thậm chí bỏ nhà ra đi. Bố mẹ cấm đoán, bắt nhốt nhiều lần N. cũng tìm cách trốn đi chơi game. Gần đây, nhờ phương pháp “mưa dầm thấm lâu” của các thầy cô ở Trường IVS, N. trở nên chăm học, suy nghĩ chín chắn hơn. “Giờ em đã bỏ game hoàn toàn. Em có thể về nhà lúc nào cũng được, nhưng em muốn ở đây học cho hết chương trình lớp 12. Khi về nhà em sẽ phụ giúp mẹ buôn bán và học một cái nghề bài bản”, N. chia sẻ.

Cách nào cai nghiện?

Anh Nguyễn Đình Quỳnh, Trưởng ban Nội trú Trường IVS (Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và thể thao), cho biết điều quan trọng là giúp các em ổn định tâm lý và thói quen sinh hoạt. Khi chưa vào trường, các em được vui chơi, sinh hoạt theo ý thích, thường chơi game ban đêm. Còn khi vào trường buộc phải tuân thủ quy định giờ giấc sinh hoạt nên các em cứ trằn trọc, khó ngủ, không được thỏa mãn việc chơi game. Thời gian này, trẻ rất ức chế, căm hận bố mẹ vì đã đưa chúng vào trường.

“Các thầy bên cạnh việc quan sát, nắm bắt diễn biến tâm lý từng em, luôn kịp thời động viên, chia sẻ cùng các em. Không phải lúc nào các em cũng hợp tác, cho nên chúng tôi phải tinh tế xuất hiện đúng thời điểm với từng em khác nhau để dần khiến các em tin tưởng, chia sẻ với mình. Các em có cảm nhận được tình thương, sự quan tâm thì mới cởi mở với mình. Dần dần các xung đột trong mỗi em được hóa giải”, anh Quỳnh chia sẻ.

Cũng theo anh Quỳnh, tất cả các học viên vào trường đều phải cách ly với các thiết bị điện tử. “Quá trình cai nghiện game cho các em phải trải qua nhiều giai đoạn, tốn nhiều công sức. Do đó mỗi phụ huynh cũng phải kiên nhẫn phối hợp với nhà trường để cai nghiện hiệu quả. Một khi các em chơi lại thì càng khó cai”, anh Quỳnh cho biết.

Ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng phụ trách giáo dục Trường IVS, cho rằng nghiện game không chỉ gây nên những hậu quả khó lường tức thì, mà còn là bóng tối phủ lên tương lai và khiến cuộc đời người nghiện game gắn chặt với nó đến chết. Đây là hậu quả lặng lẽ đeo đẳng đứa trẻ suốt đời.

Để giúp trẻ thoát khỏi “bóng tối” của game, ông Lê Anh cho rằng không thể chỉ dùng lời nói vì trẻ thường không nghe, nên sẽ không giải quyết được nội tại bên trong. “Cùng với các hoạt động thể chất giúp não bộ trở về nguyên thủy để cân bằng lại, chúng ta còn phải thực hiện các bước đột phá như tập bơi, yoga, kéo co, chạy bộ…làm cho trẻ không muốn chơi game nữa. Từ đó những sang chấn của trẻ sẽ dần được khắc phục, các rối loạn cũng giảm dần”, ông Lê Anh chia sẻ.

“Trẻ cần được yêu thương. Ðiều cần thiết chính là luôn theo sát để giúp trẻ nhận thức các vấn đề, cũng như giúp con giải quyết khủng hoảng xảy ra. Ðó là cách thức để xây dựng con người, xây dựng nhân cách, tính cách tốt đẹp cho trẻ”.

Tọa đàm “Nghiện game online – Hậu quả khôn lường”

Một cháu bé 5 tuổi ở Nghệ An bị một thiếu niên nghiện game online bắt cóc và trói tay cho đến chết mới đây- một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh giới trẻ nghiện game online. Nhằm góp phần cảnh báo, ngăn chặn những mặt trái, những tác hại của game online, báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm: “Nghiện game online – Hậu quả khôn lường”. Chương trình có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia sức khỏe, tâm lý và đông đảo học sinh trung học.

Thời gian tổ chức: 7h30 thứ Ba, ngày 16/6, tại Trường Trung học phổ thông Thành Nhân (Gò Vấp, TPHCM).

Buổi Tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên báo Tiền Phong điện tử (tienphong.vn) cùng các chuyên trang Sinh viên Việt Nam (svvn.tienphong.vn), chuyên trang Hoa Học Trò (hoahoctro.tienphong.vn).

Trân trọng kính mời Quý độc giả quan tâm theo dõi.

NGÔ TÙNG


Game online bủa vây cổng trường

Khoảng 17 giờ ngày 11/6, tiếng trống trường THPT Quỳnh Lưu 4, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vang lên, học sinh tủa ra Quốc lộ 48A khiến giao thông ách tắc. 20 phút sau quốc lộ thông thoáng dần, phần lớn học sinh trở về nhà nhưng vẫn có những tốp học sinh kéo nhau vào các quán internet. Tại khu vực này có 4 quán internet hoạt động.

Phía trong quán internet gần trường THPT Quỳnh Lưu 4 Ảnh: C.H
Phía trong quán internet gần trường THPT Quỳnh Lưu 4 Ảnh: C.H

Vào bên trong một quán internet, cách trường THPT Quỳnh Lưu 4 khoảng 200m, chúng tôi chứng kiến hàng chục học sinh đang cày game online. Có những học sinh trên vai còn đeo balo nhưng đã nhập tâm, chăm chú vào “cuộc chiến”. Một nhóm 5 học sinh đang chơi game Liên minh huyền thoại. “Hết máu rồi, rút lui”, một học sinh trong nhóm nói to.

Quan sát quán internet này, những người vào chơi hầu hết là học sinh, những trẻ vị thành niên. Quán được thiết kế khoảng 20 máy tính chia thành hai hàng song song. Trên bàn là các chai nước ngọt, nước khoáng vứt bừa bãi, còn cặp sách vứt dưới chân. Loại game mà các em thường chơi là Liên quân Mobile, game đột kích, đại chiến, sinh tồn, trinh thám, cuộc chiến lãnh thổ…

“Em chơi game Liên quân Mobile với người yêu và 3 người khác trong team (đội). Mỗi khi vào trận chúng em thường nhắn tin trước, ấn “sẵn sàng” và đợi. Chúng em bật micro vào trao đổi với nhau. Người yêu em năm nay 16 tuổi”, một nam sinh nói. Vừa nói xong, nam sinh này lập tức quay sang nói chuyện với nick name “Hàn Thiên công chúa” về một cuộc chiến ảo.

Nán lại một lúc, chúng tôi chỉ còn nghe thấy các học sinh nói to, thậm chí quát lên: Tìm kiếm đối thủ, giết địch, phá thành, hết máu…

Thầy Cao Thanh Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT Quỳnh Lưu 4 cho biết, nhà trường đã quán triệt rất nhiều với học sinh, đợt tới sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, công an đi kiểm tra. “Thầy cô không thể vào trong quán internet yêu cầu chủ quán không cho học sinh chơi, không đủ thẩm quyền. Nhà trường chỉ giáo dục, nhắc nhở học sinh. Chúng tôi cần sự quản lý của phụ huynh, chứ nhà trường rất khó khăn trong việc quản lý sau giờ học”, thầy Tuấn nói.

Theo thầy Cao Thanh Tuấn, trường hợp của H. (nghi phạm làm chết bé trai 5 tuổi), qua theo dõi an ninh thì chưa thấy vi phạm nào ở trường. “Nhiều khả năng sau giờ học do sự buông lỏng của gia đình nên em này tham gia vào các trò chơi game online. Đây là một bài học “xương máu” để thầy cô và học trò rút kinh nghiệm trong công tác giáo dục, lưu ý những học sinh vi phạm”, thầy Tuấn nói thêm.   

Nghi phạm nghiện game bạo lực
Công an tỉnh Nghệ An vừa khởi tố vụ án Giết người để làm rõ hành vi sát hại bé H. V. Đ. (5 tuổi), trú tại xóm 9, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu. Nghi phạm Đào Ngọc H. (học sinh lớp 11, trường THPT Quỳnh Lưu 4) đang bị tạm giữ để phục vụ điều tra. Theo lời khai ban đầu, H. nghiện các loại game bạo lực, có nội dung bắt cóc, tống tiền, trinh thám. 

CẢNH HUỆ

Nguoidentubinhduong tổng hợp theo báo Tiền Phong.

Thank you so much