Bi kịch trong “thế giới hacker”


Cho đến một lần, Long mạnh dạn lên trang dell… com để đặt mua một chiếc laptop, cũng tiền rút từ một tài khoản của nước ngoài mà Long chiếm được quyền sử dụng. Chiếc máy tính được gửi về, Long cứ mê đi vì nó quá đẹp, cấu hình quá mạnh. Long bước vào thế giới của những kẻ “Phishing” từ lúc nào không biết.

Quyền lực ảo

Chiếc còng số 8 bập vào tay, đất trời như sụp đổ trước mặt viet_long, người một thời được giới hacker Việt vinh danh là một trong những “đệ nhất hacker”. Chiếc xe thùng chuyên dụng của lực lượng cảnh sát hình sự đã được đánh ra, chuẩn bị chuyển các đối tượng vào trại giam.

Trong khi các điều tra viên làm thủ tục, chúng tôi tranh thủ tiếp cận và phần nào nắm được con đường vào nhà đá của viet_long. Một trong những nguyên nhân chính là do quá đam mê quyền lực ảo – thứ quyền lực do Internet mang lại, được thế giới mạng tung hô khi viet_long đạt được một số “thành tựu ảo”, nhưng cũng chính nó đã khiến cậu ta lún sâu hơn vào thế giới tội phạm. Hậu quả đã được báo trước.

Ngày là học sinh phổ thông, Long được bố mẹ mua cho một chiếc máy tính. Tuy cũ, cấu hình thấp song nó được cậu giữ như “báu vật”. Ở nhà chả mấy khi Long rời khỏi bàn phím. Long tập tành viết phần mềm, lập website… Khi được bố mẹ kết nối mạng Internet, cậu cũng mày mò upload (tải lên) website của mình để khoe với bạn bè. Ai dè site của cậu “online” hôm trước, hôm sau đã bị một hacker phá cho tanh bành. Cú lắm, Long quyết tâm “tầm sư học… đạo chích” muốn tìm cho ra kẻ chọc giận mình.

Khi mà trình độ IT của Long ngày càng hoàn thiện, Long cũng sa vào đúng “vết xe đổ” của các hacker đi trước, là đi tìm lỗ hổng của các website để hack. Cũng do “máu nóng” của trẻ con, mà Long đi hack lung tung. Mỗi lần deface được một site nào đó, là cậu chàng cảm thấy vô cùng sung sướng và phấn khích. Hội bạn của Long còn thách nhau hack các site của các tổ chức, cá nhân để chứng tỏ mình.

Dần dà, chán trò hack website thì Long được một anh bạn cho một thông tin từ account của credit card, lại hướng dẫn tường tận cách mua bản quyền một phần mềm diệt virus. Sau nửa giờ hý hoáy, phần mềm này đã được gửi về cho Long mà không tốn một xu phí. Tiếp sau là các bản Windows bản quyền, các bản ebooks (sách điện tử) cũng lần lượt được tải về máy tính của Long.

Lần lượt các đồ điện tử như điện thoại, máy tính, máy nghe nhạc được chuyển về. Long liền đem bán bớt cho bạn bè lấy tiền. Đôi khi, sâu thẳm trong đầu Long cũng nảy ra ý niệm: “Việc này khác gì mình ra chợ để ăn cắp?”. Song gần như ngay lập tức một ý nghĩ khác chiếm lĩnh: “Có ai biết chuyện này đâu, mà mình cũng phải dùng trí tuệ mới lấy được chứ có phải dễ dàng gì”. Cho tới một ngày, Long đọc thấy trên báo hình ảnh một số nickname mà cậu quen trên mạng bị Cơ quan Công an bắt giữ vì hành vi đánh cắp thẻ tín dụng. Đang mùa hè, ngồi trong lớp mà mồ hôi cậu túa ra đầm đìa.

Long vội vàng cúp cua về nhà, mở máy tính rồi tìm cách xóa sạch mọi dấu vết trên mạng cũng như trong ổ cứng của mình. Nhưng với bấy nhiêu lần giao dịch, Long làm sao xóa nổi những dữ liệu đã được lưu của nhà mạng, đại lý phân phối… Sớm muộn cái ngày Cơ quan Công an triệu tập Long cũng đến.

Một điều tra viên, thuộc Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội cho chúng tôi biết. Khi mới được mời lên làm việc, hầu như các hacker đều tỏ ra rất “ngây ngô”, rằng mình “chả làm gì nên tội”. Cũng có kẻ cho rằng, trình độ IT của lực lượng chức năng quá “xoàng” còn lâu mới theo kịp các hacker.

Nhưng chỉ sau một vài ngày làm việc, bao nhiêu những điều mà tin tặc đã cố tình xóa sạch đã được khôi phục lại. Những bản kê chi tiết ngày nào, giờ nào các giao dịch xuất phát từ IP của đối tượng được mang ra… thì lúc bấy giờ các hacker mới đành cúi đầu nhận tội.
Vẫn theo Cơ quan điều tra, từ khi có các giao dịch trên mạng Internet thì tình trạng đánh cắp thẻ tín dụng của các hacker Việt Nam cũng bắt đầu manh nha. Và mặc dù cơ quan chức năng hầu như năm nào cũng phát hiện, bắt giữ các đối tượng “trộm cắp” trên mạng, song tình trạng này thực sự vẫn chưa giảm.Cuộc chiến vẫn tiếp diễn

Bên cạnh việc ăn cắp tiền từ các thẻ tín dụng, mua hàng rồi chuyển về Việt Nam, một số hacker còn sử dụng thông tin đã lấy được để “đúc” thành thẻ ATM rồi ra các cây rút tiền tự động. Để làm được điều này, các hacker phải liên kết với nhau để hoặc rút tiền ở nước ngoài, hoặc rút tiền ở trong nước. Đường dây này gọi là đường dây Cashout (ăn cắp tiền mặt từ thẻ tín dụng).

Số tiền mà những hacker rút ra được lên tới con số cả tỉ đồng. Thế nên có người còn lập hẳn một công ty TNHH để che giấu hành vi trộm cắp thẻ tín dụng của mình.

Còn nhớ vài năm trước đây, Cơ quan CSĐT tội phạm về công nghệ cao của Bộ Công an đã tiến hành điều tra đối với các Casher (người ăn cắp tiền mặt từ thẻ tín dụng) gồm Tô Phúc Hậu, Nguyễn Đình Cường, Nguyễn Anh Tuấn (đều trú tại TP HCM), Đào Khánh Hiệp (trú tại đường Láng, Hà Nội), Trịnh Hồ Lam (thường trú Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Minh Công (trú ở khu tập thể Trung Tự, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Linh (trú tại phường 13, quận 10, TP HCM), Trần Ngọc Quang (trú tại Hà Nội)… về hành vi “trộm cắp tài sản”, liên quan đến đường dây làm thẻ ATM giả.

Được biết Nguyễn Anh Tuấn, khi chưa đầy 19 tuổi đã làm Chủ tịch HĐQT của Công ty RC, từng làm cho nhiều người phải trầm trồ và một bộ phận giới trẻ trong độ tuổi 8X biết đến phải nể phục, ngưỡng mộ. Cho tới khi Cơ quan CSĐT, Bộ Công an vào cuộc, triệt phá các đường dây đánh cắp tài khoản tín dụng, làm thẻ ATM giả để chiếm đoạt tài sản của người khác, nhiều người không khỏi thất vọng khi trong số đối tượng bị tra tay vào còng có cả Tuấn.

Cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Ngọc Hà, (trú ở Ngô Quyền, Hải Phòng) tốt nghiệp Khoa Công trình (ngành Bảo đảm hàng hải) cũng đã bị Cơ quan Công an bắt giam về hành vi trộm cắp tài sản. Khác với những hacker trên, Hà lại tấn công trực tiếp vào những người mua hàng để từ đó chiếm quyền quản lý tài khoản của họ để mưu lợi cá nhân.

Lọ mọ trên một số diễn đàn như “the…ws”, “the… info”… Hà có được thông tin về các chủ tài khoản. Tiếp đó, Hà tung virus có chứa Keylogger (trình theo dõi thao tác bàn phím) vào các địa chỉ e-mail của họ. Chủ tài khoản tín dụng không biết bị virus xâm nhập, nên đã kích hoạt virus làm cho các thông tin về tài khoản tín dụng được gửi đến e-mail của Hà. Biết được thông tin và mật khẩu truy cập của các chủ tài khoản, Hà đã thực hiện các lệnh chuyển tiền đến bất kỳ địa chỉ nào theo ý mình.

Ban đầu Hà chuyển tiền để mua hàng trên mạng, rồi ship hàng về Việt Nam theo yêu cầu của người mua. Sau đó, Hà lệnh chuyển tiền từ các tài khoản nói trên về tài khoản của Hà tại Việt Nam. Tổng cộng trong gần 2 năm, Vũ Ngọc Hà đã “nhận” số tiền từ các tài khoản “chùa” là 188.458.541 đồng. Vũ Ngọc Hà đã thừa nhận số tiền này và lập thành các sổ tiết kiệm, chi tiêu cho cá nhân…
Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, từ năm 2004 đến 2006, từ số tiền moi trộm được ở các tài khoản tín dụng Hà mua rồi nhận về nhiều đồ như các loại điện thoại có giá trị lớn, máy tính xách tay, máy nghe nhạc… Tổng cộng số tiền Hà chôm được lên tới gần 185 triệu đồng nữa.Ngoài chiêu thức moi tiền trực tiếp trên, Vũ Ngọc Hà còn đem tiền “chùa” đi cá cược bóng đá và nếu thắng thì tổ chức cá cược đó chuyển tiền vào tài khoản của Hà tại các ngân hàng Việt Nam hoặc chuyển tiền vào các tài khoản người bán hàng để mua hàng hóa gửi vào địa chỉ của Hà. Phương thức mà Hà sử dụng là từ thông tin tài khoản thẻ tín dụng người nước ngoài, Hà ra lệnh chuyển tiền đến tài khoản của các tổ chức cá cược và đặt lệnh cá cược theo ý mình.

Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao PC 45 Công an TP Hà Nội cho chúng tôi biết, mặc dù nhiều hacker có trình độ sâu về công nghệ thông tin song Cơ quan điều tra luôn có đủ phương tiện và biện pháp để đấu tranh chống lại loại tội phạm này. Sớm hay muộn, những hacker sẽ bị lôi ra ánh sáng. Tuy nhiên, cuộc chiến sẽ không hề dễ dàng giữa lực lượng chức năng với giới hacker mũ đen vẫn còn tiếp diễn.

Tháng 12/2010, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an) đã phối hợp với Cảnh sát Anh làm rõ vụ việc một nhóm người Việt Nam có liên quan đến việc chiếm đoạt hàng triệu bảng Anh của người nước ngoài.

Những hacker này khai đã “biến” tài khoản tín dụng của người khác thành của mình và lấy cắp tiền trong tài khoản. Để tránh bị chủ tài khoản phát hiện, họ chuyển tiền thành nhiều lần với giá trị không lớn. Bên cạnh đó để đối phó với cơ quan chức năng trong nước, họ không trực tiếp đứng ra nhận tiền mà thuê người khác dùng CMND của mình để làm thủ tục rút số tiền tại các ngân hàng. Ngoài tiền mặt, họ còn mua sắm nhiều tài sản có giá trị như máy tính xách tay, các loại vật dụng đắt tiền rồi gửi qua đường bưu điện.

Các nghi phạm được xác định gồm Lê Anh Khoa, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Ngọc Thành và Nguyễn Đình Nghị ở Hà Nội và TP HCM. Khoa đã sử dụng thẻ tín dụng để mua bán trên mạng lấy hơn 360.000 USD và hơn 200 triệu đồng; Lâm và Thành rút được hơn 4,7 tỉ đồng (đã được thu hồi) và Nghị đã lấy cắp thẻ, mua bán qua mạng Internet chiếm đoạt số tiền lớn. Các nghi phạm sử dụng tiền kiếm được để mua vàng và bất động sản.

http://antg.cand.com.vn

2 thoughts on “Bi kịch trong “thế giới hacker”

  1. Pingback: James

Thank you so much