HƯỚNG SUY NGHĨ VÀ TIẾP CẬN CHỦ ĐỘNG


LTS. : Sau khi đăng tải chuyên đề “Đào tạo nhân lực CNTT : Nâng chất lượng để đón đầu cơ hội” trên số báo ra ngày 25-1, TBVTSG đã nhận được bài viết của ông NGÔ VĂN TOÀN, Phó tổng giám đốc Global CyberSoft Vietnam. TBVTSG trích đăng để bạn đọc tham khảo, đồng thời để những người có tâm huyết tiếp tục trao đổi, thảo luận và tìm ra những biện pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và trình độ của đội ngũ nhân lực CNTT nước nhà.

Nhân lực cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) là vấn đề được nhiều người, nhiều giới quan tâm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, dù đã được phân tích dưới nhiều góc độ nhưng vấn đề hầu như cũng chưa thấy đi xa hơn mức “báo động” và “kêu gọi hành động”…

Cần đào tạo những kỹ sư CNTT có nền tảng kiến thức, khả năng tư duy và tiếp nhận kiến thức mới để vận dụng vào công việc thực tế.

Đã có nhiều cuộc hội thảo cấp quốc gia được tổ chức nhằm mổ xẻ vấn đề, nhưng nhìn chung, phần lớn nguyên nhân được xác định là “có khoảng cách lớn giữa đào tạo và nhu cầu thực tế”. Từ đó, các giải pháp đề xuất gần như là “đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo ; gắn kết hơn nữa giữa nhà trường và doanh nghiệp”…

Nguyên nhân và giải pháp nói trên, nhìn chung chỉ phản ánh một phần hiện thực. Trên thực tế, câu trả lời cụ thể cho các câu hỏi : Mô hình đào tạo nên đổi mới thế nào ? Chương trình đào tạo cần điều chỉnh ra sao ? Mô hình nào là phù hợp để gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp ?… vẫn chưa thấy có những ý kiến đề xuất rõ ràng và khả thi.

Có khoảng cách nhưng không thể lấp đầy

Để nhanh chóng lấp đầy khoảng cách nói trên, một số doanh nghiệp và trường đại học vội vã mang những chuyên đề đặc thù – thậm chí là các phần mềm đặc thù của doanh nghiệp – vào môi trường đại học. Có những trường dạy thẳng cho sinh viên những phần mềm kế toán XYZ, giải pháp quản trị doanh nghiệp ABC… Có những trường cho sinh viên học kỹ ngôn ngữ lập trình Java, Visual C++, .Net… như là những môn học chính…

Một số doanh nghiệp, với sự nhiệt tình đáng trân trọng, đã cử chuyên gia đến tận các trường giảng dạy một số môn đặc thù như là một môn học chính quy. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Các chuyên gia dù có kiến thức vững vàng, nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng để có một bài giảng đầy đủ, logic, cân bằng giữa thuyết và thực tiễn, lại là một vấn đề không đơn giản. Các chuyên gia không phải ai cũng có khả năng sư phạm nên sự tiếp thu của sinh viên cũng bị hạn chế rất nhiều. Có một số vấn đề khá lớn, nhưng trong thực tế các chuyên gia chỉ giảng trong vòng 45 phút, vì nếu giảng sâu hơn, có nhiều khả năng sinh viên không thể lĩnh hội được.

Theo tôi, cách làm này, trước mắt chỉ có thể giải quyết một phần nào đó của vấn đề, song về lâu dài, nó có khả năng làm chúng ta đi từ thái cực này đến thái cực khác.

Ai cũng biết, một kỹ sư CNTT không phải được đào tạo để làm những công việc đặc thù, ở một loại hình doanh nghiệp. Họ cũng không phải được đào tạo chỉ để viết code thành thục bằng một ngôn ngữ nào đó, hoặc chỉ rành một vài phần mềm nhất định… Thế nhưng, chúng ta cũng không mong có những kỹ sư “cái gì cũng biết” nhưng “cái gì biết cũng lơ mơ”. Chúng ta cần những kỹ sư CNTT có nền tảng kiến thức vững chắc, có khả năng tư duy, khả năng tiếp nhận kiến thức mới và vận dụng những kiến thức đó vào công việc thực tế.

Khi thực hiện một phần mềm cụ thể, cần rất nhiều kỹ sư, chuyên gia với các vị trí, chuyên môn và mức độ khác nhau : lập trình viên, phân tích viên, thiết kế viên chi tiết, thiết kế viên hệ thống, kiểm định viên, giám sát cấu hình, kỹ sư chất lượng, kỹ sư quy trình, trưởng nhóm, trưởng dự án… Trường đại học không thể đào tạo ra một kỹ sư, mà anh ta có thể làm việc được ngay ở bất cứ vị trí nào. Và ngành CNTT không chỉ có lĩnh vực công nghệ phần mềm.

Nhu cầu xã hội và thực tế cuộc sống thì muôn hình vạn trạng, mỗi doanh nghiệp (dù chỉ gói gọn trong lĩnh vực CNTT) lại hoạt động trên một lĩnh vực đặc thù. Nếu doanh nghiệp nào cũng muốn sinh viên ra trường làm việc được ngay, đó là bài toán bất khả thi. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nào cũng muốn đưa lĩnh vực của mình “nhúng” vào trường đại học thì chương trình sẽ “phình to” đến bao nhiêu ? Và làm thế nào để sinh viên có thể tiếp thu hết được ?

Nhiều năm trực tiếp phỏng vấn và theo dõi vấn đề nhân sự, tôi nhận thấy ngay cả một số sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài cũng như các trường quốc tế tại Việt Nam, cũng chưa thể có khả năng làm việc ngay được. Tôi cho rằng, kiến thức nền tảng kết hợp với khả năng phân tích, khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tế, khả năng lý luận, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức công việc là những tố chất cần thiết nhất của một kỹ sư thành đạt. Kỹ năng lập trình, thực tế là cần thiết, nhưng nó thuộc về kỹ năng cơ bản. Thực tế cũng cho thấy, kỹ năng cơ bản của một kỹ sư cũng khó có thể “thăng hoa” đạt độ chín của một kỹ sư cao cấp, nếu như các kỹ năng “mềm” kể trên không đạt yêu cầu.

Hiện tại, một số doanh nghiệp khi phỏng vấn ứng viên, không đòi hỏi sinh viên mới ra trường phải có kinh nghiệm thực tế, vì điều đó không thực tế và cũng không hợp lý. Thay vào đó, họ nhấn mạnh vào các kỹ năng sử dụng kiến thức.

Trong thực tế, phần lớn sinh viên mới ra trường thường yếu về kỹ năng vận dụng kiến thức, khả năng tư duy, tính sáng tạo, các kỹ năng mềm, bên cạnh các kỹ năng cơ bản. Tuy nhiên, chúng ta phải tỉnh táo thấy rằng đây là vấn đề mang tính xã hội, không hoàn toàn là lỗi của hệ thống giáo dục. Dễ dàng thấy nhược điểm này xảy ra phổ biến ở tất cả các ngành nghề khác, không chỉ ở lĩnh vực CNTT. Hiểu được vấn đề này, thiết nghĩ mới có thể có được những giải pháp hợp lý và không thể vội vàng lấp những khoảng cách, chỉ bằng những “miếng vá” đơn giản.

Trở lại vấn đề làm sao lấp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế, cần phải nhìn nhận rằng : khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng là vấn đề mang tính tự nhiên, chỉ có thể rút ngắn phần nào, giúp cho sinh viên nhanh chóng tiếp cận kiến thức thực tế. Cần phải thừa nhận rằng kết quả đào tạo chỉ có thể “tiệm cận” với nhu cầu thực tế. Hay nói cách khác, không thể lấp được hoàn toàn khoảng cách nói trên. Chương trình đại học chỉ mang tính ổn định tương đối, nhằm trang bị kiến thức nền tảng, giúp sinh viên tự nghiên cứu để thích ứng với thực tế. Trong lúc đó, nhu cầu thực tế thì thiên hình vạn trạng, không chỉ riêng cho ngành CNTT mà cho tất cả các ngành nghề khác trong xã hội.

Khắc phục những điểm yếu kém của chương trình đào tạo

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là các trường đại học và doanh nghiệp đành “khoanh tay đứng nhìn”, mà cần phải có những hành động phù hợp. Trong thực tế, khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, ngoài nguyên nhân tự nhiên, tôi cho rằng một phần còn do sự yếu kém cần khắc phục của chương trình đào tạo, cũng như chưa có sự phối hợp đồng bộ và hợp lý giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Giải pháp cho vấn đề nhân lực cho ngành CNTT, ngoài các chính sách cần thiết cấp vĩ mô, tôi cho rằng phía nhà trường và doanh nghiệp có thể xem xét và thực hiện các việc sau :

Về phía nhà trường :

– Chương trình khung còn nặng những môn chưa thật sự cần thiết. Thời lượng dành cho những môn chuyên ngành là quá ít trong tổng thể 4-4,5 năm học của một kỹ sư CNTT. Nếu theo quan điểm cho rằng, CNTT chỉ là công cụ nên sinh viên cần tập trung vào các môn khác (như Hóa, Lý…), để rồi thiết kế chương trình quá nặng về các môn cơ bản này, tất yếu dẫn đến thời lượng dành cho các môn chính sẽ eo hẹp, hoặc chỉ dạy đại khái. Thực tế cho thấy, khi “đụng” đến các lĩnh vực này (vốn cực kỳ đa dạng), người kỹ sư CNTT vẫn phải nghiên cứu gần như từ đầu.

– Cân đối chương trình, bổ sung các môn chuyên đề, tăng số lượng các chủ đề thảo thuận (seminar), khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động công nghệ bên ngoài như các cuộc hội thảo. Thuê hoặc phối hợp với chuyên gia bên ngoài thuyết trình, nói chuyện với sinh viên về các chủ đề kỹ thuật, công nghệ cũng như kỹ năng làm việc…

– Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp nhằm tìm hiểu nhu cầu và xu hướng công nghệ của thị trường. Trên cơ sở đó, cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng dạy cũng như lên kế hoạch bổ sung, chỉnh sửa chương trình đào tạo. Phối hợp với các doanh nghiệp trong việc thiết kế chương trình thực tập cho sinh viên.

Về phía các doanh nghiệp :

– Liên kết, hỗ trợ các trường đại học, tạo các kênh liên thông để phía nhà trường, giảng viên và các sinh viên, hiểu được các xu hướng công nghệ đang và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường thực tế. Các hình thức hỗ trợ có thể bao gồm :

• Nói chuyện với sinh viên về xu thế công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới.

• Hỗ trợ sinh viên thực tập tại doanh nghiệp.

• Hỗ trợ các khóa huấn luyện phụ đạo, ngắn ngày, ngay tại môi trường doanh nghiệp.

• Hỗ trợ giảng viên và sinh viên tìm hiểu môi trường làm việc thực tế.

• Mời giảng viên và sinh viên tham gia các buổi seminar chuyên đề.

– Thiết kế các chương trình huấn luyện đặc thù phù hợp cho nhân viên ở các mức độ khác nhau. Huấn luyện ở đây không chỉ đơn giản nhấn mạnh các kỹ năng kỹ thuật, mà còn huấn luyện cả các kỹ năng mềm, quy trình làm việc, phối hợp.

– Huấn luyện bằng nhiều hình thức, không chỉ là ở lớp, mà đặc biệt chú trọng loại hình huấn luyện ngay trong công việc (on-the-job training). Thực tế cho thấy đây là hình thức huấn luyện có hiệu quả nhất trong môi trường doanh nghiệp.

– Một mô hình thiết thực nữa là doanh nghiệp có thể thuê các trung tâm chuyên về huấn luyện để thực hiện các chủ đề huấn luyện được thiết kế chuyên biệt cho nhân viên của mình.

Hiện nay, ở nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT (đặc biệt là các công ty lớn), bộ phận huấn luyện (training) là một bộ phận quan trọng, tách hẳn ra khỏi chức năng nhân sự. Nhiệm vụ huấn luyện được xem là một trong những hoạt động trọng tâm, để bảo đảm các mục tiêu hoạt động và phát triển của từng doanh nghiệp.

Rõ ràng, đào tạo nhân lực cho ngành CNTT, không thể nghĩ đơn giản là vấn đề của riêng ngành giáo dục. Thông qua các hoạt động phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, tôi tin rằng – mặc dù không phải một sớm một chiều – vấn đề nhân lực cho ngành CNTT sẽ từng bước được giải quyết.

Theo : http://www.tbvtsg.com.vn

One thought on “HƯỚNG SUY NGHĨ VÀ TIẾP CẬN CHỦ ĐỘNG

Thank you so much