Thị Xã Dĩ An


 

Dĩ An là một thị xã của tỉnh Bình Dương. Dĩ An tiếp giáp với 2 thành phố là Biên HòaThành phố Hồ Chí Minh, và là cửa ngõ quan trọng để đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc.

Dĩ An
—  Thị xã trực thuộc tỉnh  —
Quốc gia  Việt Nam
Tỉnh Bình Dương
Vùng Đông Nam Bộ
Trụ sở UBND Phường Dĩ An
Nâng cấp thị xã 13 tháng 1 năm 2011
Chính quyền
 – Chủ tịch UBND Đặng Minh Hưng
 – Chủ tịch HĐND
 – Bí thư Thị ủy
Diện tích
 – Tổng cộng 60,10 km² (23,2 mi²)
Múi giờ G (UTC+7)
Mã điện thoại 0650
Bảng số xe 61
Phân chia hành chính 7 phường
Website: http://www.facebook.com/ToiYeuDiAn

Mục lục

Hành chính

Thị xã Dĩ An được tái lập theo Nghị định 58/1999/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ và được nâng lên cấp Thị xã theo Nghị quyết 04/NQ-CP của Chính phủ ngày 13 tháng 1 năm 2011.

Thị xã có 7 đơn vị hành chính cấp phường, gồm:

Như vậy đến nay, Việt Nam lại có thêm 01 Thị xã có 100% là phường, không có xã trực thuộc thị xã Dĩ An. Dĩ An cũng là thị xã có dân số đông thứ hai cả nuớc sau thị xã Thuận An cũng thuộc tỉnh Bình Dương

Kinh tế

Dĩ An là một trong những nơi tập trung nhiều khu chế xuất, là trái tim công nghiệp của miền Đông Nam Bộ. Hiện tại, Dĩ An có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Bình Đường, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B.

Giao thông

Dĩ An có 3 tuyến đường quan trọng đi qua là Quốc lộ 1, Quốc lộ 52 và tuyến đường sắt Bắc – Nam. Dĩ An có 2 ga xe lửa quan trọng là ga Dĩ An và ga Sóng Thần; có nhà máy toa xe Dĩ An, một nhà máy sản xuất, sửa chữa đầu máy và toa xe lớn nhất miền Nam. Trong tương lai sẽ có một tuyến đường sắt xuất phát từ ga Sóng Thần đi Mỹ Tho để chuyên chở hàng hóa, trái cây từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Giáo dục

Dĩ An là nơi tập trung nhiều trường học như THPT Nguyễn An Ninh, THPT Dĩ An, THCS Võ Trường Toản, TH Dĩ An v.v…, trường Mầm non Võ Thị Sáu đạt chuẩn quốc gia, Trung học cơ sở Bình Thắng.

Hiện tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có phần lớn diện tích nằm trên địa phận Dĩ An.

Dĩ An cũng là quê của ông Lê Hoàng Quân – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Tp.HCM.

Bản đồ Dĩ An lúc chưa nâng cấp lên Thị Xã 

http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C4%A9_An

Các đơn vị hành chính cấp xã, phường của thị xã Dĩ An, Bình Dương
Phường (7)

——————————————–

Nghề chẻ tăm nhang ở Dĩ An

LÊ TRÍ ĐỨC (*)
Là một huyện tập trung nhiều nhà máy trong Khu công nghiệp Sóng Thần, Dĩ An là nơi có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh. Nhưng trước khi là một huyện có công nghiệp phát triển mạnh thì đây là một vùng đất có bề dày lịch sử, giàu văn hóa và có nhiều nghề thủ công truyền thống. Với điều kiện tự nhiên nhiều tre, nứa, tầm vông, lại có điều kiện thuận lợi về thông thương khi nối liền Bình Dương và TP.HCM nên ở đây rất phát triển những nghề như chẻ tăm nhang, đương thúng, đương nia, làm đòn gánh… Có những địa danh gắn liền với từng nghề như xóm nhang, xóm đương. Và nổi tiếng nhất, hiện vẫn còn tồn tại, vẫn đóng góp giá trị kinh tế cho những hộ gia đình làm nó cũng như huyện Dĩ An – tuy không nhiều, đó là nghề chẻ tăm nhang mà cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, nghề đang phát triển theo một hướng mới.Nghề chẻ tăm nhang tới vùng đất này định cư cũng đã khá lâu đời, với những người có tuổi đời 80 thì được 2 đời và những người ở tuổi 50 thì đã được 3 đời. Tới đây không tính tiếp vì lớp trẻ hiện nay khi được hỏi chẳng có ai muốn nối nghiệp cha ông. Tính như vậy có lẽ nghề này tồn tại đã được hơn 100 năm. Tuổi không dài cũng không ngắn cho một vùng đất truyền thống.

Nghề chẻ tăm nhang phát triển mạnh nhất là những năm 70 – 85 của thế kỷ trước. Khi đó đã thành lập được HTX chẻ tăm nhang. Mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân góp vốn để thành lập HTX, người góp ít, người góp nhiều gọi là cổ phần rồi dựa vào cổ phần góp đó để ăn chia lợi nhuận. Tre nhận về HTX rồi chia ra cho mỗi người. Mỗi người nhận 3 niền, chẻ xong lại gom lại cho HTX. Loại tăm/chân nhang thời đó là tăm/chân nhang dùng để xuất khẩu, lớn khoảng 1cm và phải có chất lượng, tăm/chân nhang phải đều, đẹp mới được tính công và nhập kho. Thời gian đầu HTX hoạt động rất trơn tru, hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động và càng phát triển nghề mạnh thêm. Cũng vì thời gian này đang trong thời kỳ chiến tranh, cả nước đang dồn nhân lực, vật lực ra chiến trường nên làm nhang hầu như là độc quyền của vùng Dĩ An này, không có nơi nào cạnh tranh. Thời gian này nhà nhà chẻ tăm nhang, người người chẻ tăm nhang. Đi đâu cũng thấy tre được buộc từng lọn chất đầy góc sân, góc nhà, tăm nhang được trải ra phơi đầy sân, đầy vệ đường xóm, đường lộ. Và không chỉ riêng thị trấn mà dường như toàn huyện Dĩ An đều phát triển nghề này, rồi những xã khác như  … thuộc Thuận An cũng học theo để làm. Nhưng được một thời gian sau, có những phần tử xấu, cơ hội, lợi dụng để ăn chia của chung. Vì mâu thuẫn nội bộ và vì làm ăn không có lời nên năm 1985, HTX tăm nhang giải thể, từng hộ gia đình tự sắm vật tư, ra làm ăn riêng rẽ, đường tre được chuyển giao cho HTX đũa mùng 3-2 ở Lái Thiêu, Thuận An.

Cũng bắt đầu từ năm này có những người từ miền Tây lên, học hỏi kỹ thuật se nhang ở Chợ Lớn, tới vùng tăm nhang này để se rồi bán nhang thành phẩm. Nhưng dường như ở đây chỉ có thể chẻ tăm nhang chứ không thể làm nhang (vì sao) nên cơ sở làm ăn cũng không phát triển lắm và cho tới tận bây giờ số hộ làm nhang ở Dĩ An chỉ có thể tính trên đầu ngón tay chứ không nhiều. Từ năm 1985 nghề chẻ nhang cũng bắt đầu đi xuống (do đâu?).

Hiện nay nghề chẻ tăm nhang chỉ còn tập trung ở 2 khu phố: KP. Bình Minh 2 có khoảng gần 50 hộ, KP. Nhị Đồng 2 có khoảng  …   hộ. Tính là hộ nhưng không phải cả gia đình làm mà chỉ có 1, 2 người là người già, phụ nữ yếu, đang có bầu, nuôi con nhỏ hoặc trẻ con mười mấy tuổi chưa làm được việc nặng làm mà thôi. Công việc yêu cầu tính tỉ mỉ, cần mẫn, có thời gian làm suốt ngày, suốt năm chứ không theo mùa. Nhưng công lao động không cao, người nào chẻ giỏi một buổi sáng cũng chỉ được 1 lọn, cả ngày được 1 niền. Một niền được trả khoảng 55.000 đồng, tính ra không được bao nhiêu nên chỉ có người già và trẻ con làm, thanh niên họ rủ nhau đi làm công nhân thu nhập cao hơn nhiều. Có như vậy mới đủ sống được. Những gia đình làm cơ sở thu mua cũng vậy, chỉ có người trung tuổi làm, con cái họ cũng lo học hành mà làm nghề khác chứ không ai có ý định kế nghiệp nghề của cha mẹ.

Quy trình làm tăm/chân nhang

1. Nguyên liệu

Nguyên liệu để chẻ tăm nhang là tre lồ ô hoặc nứa nhưng nứa ít được dùng do khi đốt tàn sẽ bị rơi xuống, còn lồ ô thì không. Và nứa không được ưa chuộng do chỉ thích hợp làm nhang sào (loại nhang cao hơn 50cm) do thân nứa dài và mỏng. Với độ mỏng của nứa như vậy sẽ khó chẻ ra được chân nhang nhuyễn/nhang thường. Tre lồ ô được lái tre lấy từ rừng Bù Đốp, Phước Long ở tỉnh Bình Phước hoặc ở Nam Cát Tiên, Lâm Đồng đem về đây bán lại cho người chẻ nhang. Những người chẻ nhang thường không tự đi lấy bởi mỗi lần lấy tre là người ta đưa cả mấy trăm… chứ không đưa lẻ, mỗi cơ sở chẻ nhang không đủ vốn và cũng không cần nhiều đến như vậy nên chịu lấy lại từ lái buôn với giá cao hơn. So với tre ở Nam Cát Tiên, tre Lâm Đồng thì tre Bù Đốp, Bình Long già hơn nên được ưa chuộng, được lấy nhiều hơn.

Tre lồ ô này là loại tre rừng thường được lái tre khai thác vào tháng 3, 4 là những tháng cuối mùa khô. Tre khai thác xong được dọn sạch để chờ mùa mưa, khi mưa xuống măng tre mọc lên và chờ người tới khai thác vào tháng 3, 4 năm sau. Mỗi một cây tre dài từ 15 – 20m nhưng chỉ lấy được khoảng một nửa vì chỉ lấy phần tre già ở gốc. Đặc điểm của cây tre lồ ô là ở dưới gốc lại sắt nên ống bao giờ cũng nhỏ hơn ống ở thân. Không như những loại tre ta thường thấy ở vùng đồng bằng, mỗi một đốt của tre lồ ô rất dài, thường hơn 1m, rất phù hợp để làm thành nhiều loại tăm nhang dài ngắn khác nhau.

Người chẻ nhang ưa loại tre lồ ô già hơn loại non bởi tre già thì để được bao lâu cũng được, còn loại tre non chỉ để được vài tháng, nhất là khi gặp mùa mưa thì sẽ bị mọt hết, không dùng được nữa, rất thiệt hại. Để phân biệt tre già hay tre non người ta nhìn vào mặt cắt thẳng của thân tre, cây nào nhìn thấy phía trong đỏ lên, từng hột từng hột to, rõ ràng, cứng cáp thì đó là tre già, ngược lại thấy hột nhỏ, khít lấy nhau thành một màu trắng yếu, nhuyễn thì đó là tre non. Nhưng hiện nay gặp được tre già 3, 4 mùa thật khó bởi như trước đây người khai thác quan tâm đến sự tái sinh của tre, khai thác từng vùng một, hết vùng này sẽ khai thác vùng khác, như người dân tộc làm nương vậy, rồi mấy mùa sau mới quay lại nơi mình khai thác ban đầu. Làm như vậy vừa bảo đảm nguồn nguyên liệu, vừa bảo đảm sinh thái lại có những lứa tre già, chất lượng. Nhưng hiện nay, cùng với máy móc cơ giới, cùng với nhu cầu tăng lên, cùng với lòng tham lấn át sự hiểu biết mà người ta khai thác một cách tràn lan, không kịp để cho rừng kịp tái sinh gây ra nhiều hậu quả cho con người và cho người làm tăm nhang, tre để không được bao lâu đã bị mọt ăn hết.

2. Công đoạn “tề”

“Tề” là từ chuyên dụng trong ngành chẻ nhang để chỉ công đoạn cưa tre sao cho bằng. Tre lồ ô sau khi được hạ sẽ được cắt bỏ mắt, chỉ lấy phần ống suôn, chẻ ra làm tư, bó lại thành từng niền. Mỗi niền có đường kính từ 45 – 46cm rồi để cả ống dài mà giao cho người chẻ nhang. Thân lồ ô có vỏ ngoài màu xanh, phần ruột bên trong – gọi là cật tre có màu đỏ hoặc trắng tùy tre già hoặc tre non. Niền tre lấy về sẽ được cưa ra thành từng loại theo từng kích cỡ nhang muốn làm. Nhang thì có rất nhiều cỡ nên cũng cưa ra nhiều loại khác nhau như: 2 tấc rưỡi, 3 tấc, 3 tấc 3, 3 tấc 6, 3 tấc 8, 4 tấc, 5 tấc, 6 tấc, 7 tấc, 7 tấc 2, 8 tấc, 1m2, nhưng người trong nghề không ai gọi rườm rà như vậy mà chỉ nói đơn giản: 25, 3, 33, 36, 4, 5, 6, 7, 72, 80, 1m2. Người kinh nghiệm sẽ không bao giờ cắt khít mà luôn chừa 1 hoặc 2 phân để chỉnh sửa khi làm, như vậy nếu làm nhang 3 tấc thì sẽ cắt thanh tre dài 32cm. Nhưng tre lồ ô chỉ để làm loại nhang dưới 80cm, còn với loại nhang lớn hơn thì người ta hoặc dùng chân bằng sắt, hoặc dùng chân bằng thân trúc.

Để cưa tre một lúc nhiều thanh mà chuẩn, người ta đóng một cái ghế, cuối ghế đóng một thanh gỗ chặn lại để giữ tre cho bằng một đầu, đặt tre lên đó, lấy một thanh tre làm chuẩn đặt bên cạnh rồi cứ thế mà cưa. Tre cưa xong được buộc lại thành từng lọn, cứ 2 lọn. Hiện nay, nhiều gia đình đã sắm được máy “tề” với tốc độ cưa nhanh hơn, có độ chính xác cao hơn cưa thủ công. Nhưng nhìn chung người thợ chẻ tăm/chân nhang ở đây chủ yếu vẫn tề thủ công bởi đây là công việc thủ công, làm lúc rỗi rãi, khi rảnh việc của một bộ phận những phụ nữ, người già vừa làm việc nhà, vừa làm để có thêm thu nhập. Máy “tề” xuất hiện ở những cơ sở sản xuất – kinh doanh nhỏ và vừa.

3. Công đoạn: chẻ tăm nhang

Chân nhang cũng có nhiều loại: 1 li 2 (1,2mm), 1 li 8 (1,8mm), 3 li (3mm), 5mm và nhiều loại lớn hơn. Loại được tiêu thụ nhiều nhất là 1 li 2 nên nhiều cơ sở làm loại này. Nhang dài trên 5 tấc gọi là nhang sào và gọi là sào 5, sào 6, sào 7… dài dưới 5 tấc gọi là nhang nhuyễn, nhang thường. Đây cũng là chiều dài được nhiều người dùng do phù hợp với gia đình.

Nhận tre về, người thợ phải coi xem đó là tre tươi hay tre khô. Tre tươi thì có thể chẻ ngay được, còn nếu là tre khô phải đổ nước vào phuy, thả tre vào trong đó ngâm tới khi nào tươi lại, cho dẻo tre thì mới có thể chẻ được. Tre cũng có nhiều loại, chất lượng tốt, xấu khác nhau. Tre “ngon” là tre già, tươi, dóc tre, khi chẻ thấy nhanh và nhẹ, ngược lại tre non, bị sâu, không được thẳng, khi chẻ phải lựa chiều, lựa kiểu sao cho không bị hao tre thì đó là tre xấu, không chất lượng. Cũng không phải do chất lượng tốt xấu khác nhau mà giá thành khác nhau bởi lái tre thường bó chung, bó lộn tre tốt, tre xấu chung một niền nên ai cũng phải chịu vậy.

Tăm/chân nhang được chẻ bằng rựa. Đây là một loại dao có sống dao dày như rựa bình thường nhưng lưỡi dao rất mỏng và sắc, chỉ chuyên dùng để chẻ tăm/chân nhang vì nếu để dùng chặt vật khác, lưỡi dao sẽ bị mẻ ngay. Chuôi dao được gắn cán gỗ dài, chắc tay để cân bằng trọng lượng với thân dao để khi chẻ lên, xuống cho đều tay. Lưỡi dao khá dài nên người ta để bàn tay tận vào trong lưỡi dao. Dĩ nhiên lưỡi dao chỗ đó phải cùn/lụt để không bị đứt tay và người ta còn buộc vải vào thân dao để cầm cho chắc tay, không bị tuột.

Có ngồi quan sát người thợ chẻ nhang ta mới thấy khâm phục sự điêu luyện của người làm nghề. Người chẻ nhang ngồi bệt xuống sàn nhà hay ngồi lên một tấm gối cho khỏi mỏi người, một chân đặt lên thanh tre mà một đầu gác lên tấm gỗ kê chẻ tăm/chân nhang cho khỏi mỏi chân, một chân đặt sát xuống sàn nhà, bỏ cán dao lên trên, tay trái cầm thanh tre, tay phải cầm rựa chẻ thẻ hoặc chẻ tăm/chân nhang nhanh thoăn thoắt. Chẻ tăm/chân nhang là công việc vừa đòi hỏi sức lực, vừa đòi hỏi sự khéo léo thế nhưng khi nhìn những động tác thoăn thoắt của người chẻ nhiều kinh nghiệm, chúng ta dễ lầm tưởng đây là công việc nhàn nhã, nhẹ nhàng bởi với những người chẻ lâu năm trong nghề, bàn tay như có mắt, cảm nhận, lựa chọn, phân biệt độ dày, mỏng cho phù hợp rất nhanh chóng và chính xác. Chỉ cần nhìn qua thanh tre là họ biết phải chẻ làm ba hay làm tư để phù hợp với li, tấc của loại tăm/chân nhang đang chẻ. Là công việc thủ công, trước đây hay bây giờ cũng vậy thường tập trung rất nhiều người vừa nói chuyện vui, vừa chẻ, thế mà chẳng mấy ai chẻ nhầm hay bị đứt tay, đứt chân.

Trước khi chẻ tăm/chân nhang, người ta phải chẻ thẻ nhang. Với loại nhang nhuyễn, thường một thanh tre được chẻ ra thành bốn, mỗi một thanh nhỏ như vậy được chẻ ra làm 4 hoặc 5 tùy theo độ dày cơm hay mỏng cơm của thanh tre. Mỗi một thanh như vậy gọi là một thẻ. Khi được khoảng 20 thẻ người ta sẽ bó lại thành một bó. Người chẻ thẻ chỉ lấy phần cơm ở giữa, phần nang/vỏ màu xanh bên ngoài và phần ruột bên trong chẻ bỏ bởi những thẻ đó nếu lấy thì khi se nhang những cây nhang đó sẽ bị cong, không được thẳng, đẹp. Đó là kỹ thuật của riêng vùng Dĩ An chứ ở những vùng làm nhang khác như Hà Tây người ta vẫn lấy lớp vỏ, chỉ cạo bỏ màu xanh đi mà thôi.

Từ thẻ nhang sẽ chẻ thành tăm/chân nhang. Với một bó thẻ, người thợ chia làm 2 hoặc nhiều hoặc ít hơn, quan trọng là vừa tay người cầm, giộng cho bằng đầu rồi dùng rựa để chẻ.

Với những em gia đình chuyên chẻ tăm/chân nhang, khi mới từ 8, 9 tuổi đã có thể cầm dao nhẹ học chẻ thẻ, chẻ tăm/chân nhang được rồi. Và tới tuổi 13,14 đã có thể dùng rựa chẻ nhanh như người lớn. Công đoạn chẻ nhang yêu cầu người chẻ phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ… một buổi một người chẻ giỏi cũng chỉ chẻ được 1 lọn, 1 ngày chẻ được 1 niền có giá khoảng 55.000 đồng. Tăm/chân nhang chẻ xong được bó thành bó, thường có trọng lượng 3kg, chất lại để đem phơi.

Chẻ thủ công thì chỉ làm được với loại nhang nhuyễn/nhang thường có tăm/chân nhang vuông và nhỏ. Còn với những loại tăm/chân nhang tròn, có kích cỡ lớn hơn thì phải dùng đến máy chẻ. Máy chẻ nhang cũng nhỏ và gọn, chạy bằng điện, một đầu có khe nhỏ để bỏ thẻ vào và một đầu ra tăm/chân nhang. Ưu điểm của máy chẻ là có tốc độ nhanh, ra được những tăm/chân nhang đều, đẹp, tròn, nhẵn nhụi. Máy chẻ dùng để chẻ loại nhang sào tròn bởi chỉ có máy mới ra được những chân/tăm nhang lớn, đều, tròn như vậy. Nhưng mỗi lần cũng chỉ đưa vào được 1 thẻ nhang, nếu so với một người chẻ nhanh, chẻ giỏi thì tốc độ cũng không hơn bao nhiêu. Chẻ bằng máy phải lựa những thẻ tre đẹp, không có chỗ sâu, tre phải dẻo, phải dóc nếu không sẽ rất hao tre bởi không như người thợ chẻ họ biết lượn, biết lách những chỗ sâu, chỗ mọt hay lựa cỡ cho phù hợp, máy chỉ có một cỡ cho một lần chỉnh nên khi thẻ tre nào nhỏ hơn sẽ được ít tăm/chân nhang hơn những thẻ khác. Một máy chẻ có giá không rẻ, khoảng 60 triệu đồng một máy, quá lớn cho những người làm thủ công nên trước khi sắm máy họ cũng phải rất đắn đo, cân nhắc. Và quan trọng nhất vì chẻ tăm/chân nhang là công việc mang tính thời vụ, làm những lúc rảnh rỗi của những người không chuyên, lấy công làm lãi nên họ vẫn ưa chuộng chẻ thủ công. Chỉ những gia đình sống bằng nghề chẻ tăm/chân nhang hoặc những cơ sở làm nhang mới sử dụng máy.

4. Công đoạn: phơi

Phơi là không chỉ phơi tăm/chân nhang mà còn phơi cả thanh tre hoặc thẻ tre. Nếu chẻ nhang bằng máy thì phải phơi khi còn là thanh tre, còn nếu chẻ thủ công thì phơi khi đã thành tăm/chân nhang. Bởi chẻ bằng máy, nhất là với loại nhang sào tròn phải phơi khô thanh tre thì lúc chẻ máy mới bào cho tròn, cho nhẵn được.

Chân nhang phải phơi hoặc sấy cho ráo, cho khô để không bị mọt. Vào ngày nắng ráo thì chỉ cần phơi từ sáng sớm tới 12 giờ trưa là được. Phơi tăm/chân nhang cũng không khó, không kén như phơi những loại sản phẩm khác. Tăm/chân nhang hoặc thanh tre có thể để trực tiếp trên nền đất, nền xi măng, nền đường nhựa, tăm/chân nhang chỉ cần rải cho đều, đừng dày quá để lâu khô và cũng đừng thưa quá là cứ để vậy cho tới lúc thu về. Không cần phải đảo như phơi lúa, cũng không cần phải dùng sào như phơi bánh tráng, phơi vải. Người kỹ cũng đóng sào để phơi. Sào là vật gồm hai thanh dài, ở giữa có lót tấm nylon rồi đặt tăm/chân nhang trên đó. Thường những người phơi sào là để phơi ở những nơi không có mặt bằng và để chạy mưa cho mau. Mấy năm về trước, nếu bạn đi dọc con đường nối từ Dĩ An xuống Thủ Đức, ven theo đường ray sẽ thấy ở vùng đó (thuộc địa bàn khu phố Nhị Đồng 2) tăm tre được rải phơi rất nhiều hai bên vệ đường hoặc phơi trên sào rồi người ra đặt ngay trên đường ray xe lửa. Khoảng 4 năm trở lại đây, nghề nhang ngày càng đi xuống, số người làm cũng giảm nên cảnh phơi tăm/chân nhang ta chỉ có thể bắt gặp khi đi sâu vào bên trong những xóm nhang.

Nếu đang phơi, lỡ gặp mưa thì cũng không cần phải gấp gáp chạy mưa. Nếu phơi đã gần khô thì người ta sẽ cố gắng thu gom vào còn nếu trời mưa sớm quá, khi tăm nhang mới đem phơi thì người ta cũng để luôn như vậy, đợi mai nắng phơi tiếp.

Vào mùa mưa, trời mưa nhiều ngày không thể phơi nắng được hoặc để thuận tiện cho công đoạn chà sau này, người ta dùng phương pháp sấy bằng lửa. Lò sấy có phương pháp giống như phương pháp nấu của bếp Hoàng Cầm. Nghĩa là đắp một đường ống đưa lửa dài để lửa cháy bên ngoài nhưng hơi nóng của nó theo đường rãnh được thổi vào bên trong, bốc lên trên, phía trên đó đặt hai thanh sào, tăm/chân nhang được đặt lên đó nhờ sức nóng bốc lên mà khô. Không những khô thân tăm/chân nhang mà nhờ vậy những cái tơ, cái xước trở nên rất giòn, sẽ dễ dàng bị chà bỏ ở công đoạn chà sau này. Mỗi lần sấy cũng được mười mấy kg. Nhưng sau này vì có máy chà vừa nhanh, vừa sạch, vừa đỡ vất vả hơn nên người ta cũng không sấy bằng lửa nữa.

5. Công đoạn: chà

Trước đây khi chưa có máy thì người ta phải chà thủ công. Tăm/chân nhang chẻ, phơi hoặc sấy xong sẽ được bó lại thành từng bó, người ta cứ để nguyên bó như thế rồi dùng hai chân đạp lên để chà. Chà chừng nửa tiếng là hết những sần sùi, những cọng xước có thể làm đứt tay người chẻ nhang, người làm nhang. Nhưng chà thủ công như vậy rất mất công và hiệu quả thấp. Mỗi lần chà xong phải giũ cho sạch, mỗi lần giũ chỉ được vừa tay ôm và rất bụi bặm. Người giũ phải giũ ra cho hết những tinh, những bụi đã bị chà ra khỏi cọng tăm/chân nhang, vừa giũ vừa phải rút, vừa xấp lại sao cho bằng. Bây giờ đã có máy chà nhưng không phải mỗi gia đình có riêng một máy mà thường chỉ một số hộ có và những hộ chẻ nhang khác tới thuê chà. Máy chà làm hiệu quả hơn rất nhiều, mỗi mẻ chà được gần 200kg, trong vòng 4 giờ. Người làm vừa không mất công, vừa không phải chịu bụi bặm, cây tăm/chân nhang cũng sạch sẽ hơn và nhất là không cần phải sấy qua lửa, một công đoạn rất vất vả, tốn nhiều công sức, thời gian.

Tăm/chân nhang chà xong sẽ được bó lại thành từng bó. Trước đây mỗi một độ dài thường bó theo một kg nhất định. Ví dụ với loại nhang nhuyễn/nhang thường, mỗi bó có trọng lượng khoảng 5kg, với loại nhang sào thường bó 3kg/1 bó. Nghe thì đơn giản nhưng để bó được bó nhang cũng là một nghệ thuật, không phải ai cũng bó được. Vì vậy trước đây cũng có người chuyên làm nghề bó tăm/chân nhang thuê. Vì mỗi lần bó phải giộng, phải rút nhang cho bằng nên phải là người có sức khỏe và sự khéo léo mới ôm được một bó nhang từ 3 – 5kg. Người thợ dùng lạt trúc – là loại lạt mỏng, rất dẻo và bền, bó 3 nuột chặt như người ta bó đai trống. Bó sao cho bó tăm/chân nhang không còn bụi, bằng đầu, chắc chắn để dù có chuyển lên chuyển xuống xe cũng không bị tuột ra. Bây giờ vì có máy chà và người làm thủ công cũng chủ yếu là chẻ, xong sẽ mang tới có máy chà cũng là nơi thu mua luôn và họ có thợ bó riêng của họ. Công thợ chẻ tăm/chân nhang được tính theo kg nên càng ngày càng ít người biết bó tăm/chân nhang. Một bó tăm/chân nhang hiện nay có trọng lượng khoảng 3kg, với tất cả các loại.

So với những năm sau giải phóng, nghề chẻ tăm/chân nhang đã thoái trào mạnh. Những gia đình làm ăn nhỏ lẻ phải chuyển sang nghề khác, chỉ còn những người lớn tuổi, những phụ nữ làm việc nhà mới tiếp tục chẻ tăm/chân nhang nhưng dưới hình thức lãnh tre về chẻ thuê cho những hộ làm ăn lớn. Những người muốn tồn tại với nghề phải mở rộng quy mô sản xuất và thu gom từ những người chẻ thuê khác hoặc chuyển sang một hướng đi mới đó là làm ra nhang thành phẩm như cơ sở nhang Tân Thành của anh Phạm Văn Tân ở khu phố Nhị Đồng 2, thị trấn Dĩ An. Đây cũng là một hướng đi nhiều triển vọng để duy trì và phát triển một nghề có giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế ở Dĩ An.

Tư liệu điền dã cá nhân

(*) Cán bộ Bảo tàng Bình Dương

http://www.sugia.vn

—————————————————

Tìm hiểu về sự ra đời của Nhà máy xe lửa Dĩ An

* BÙI KIM TUYẾN
 http://www.sugia.vn
Theo tư liệu của Bộ Giao thông – Vận tải Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, vào đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp bắt đầu mở tuyến đường sắt Bắc – Nam, họ tiến hành xây dựng các nhà máy xe lửa. Ở miền Bắc có Nhà máy xe lửa Gia Lâm phục vụ cho việc bảo trì, sửa chữa đầu máy, toa xe cho tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam. Ở Vinh có Nhà máy xe lửa Trường Thi phục vụ cho tuyến đường sắt Hà Nội – Nam Định – Vinh. Ở miền Nam có Nhà máy xe lửa Dĩ An phục vụ cho việc bảo trì và sửa chữa các đoàn tàu thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn – Biên Hòa – Nha Trang, Sài Gòn – Lộc Ninh, Sài Gòn – Mỹ Tho, Tháp Chàm – Đà Lạt.Từ năm 1902, người Pháp đã bắt đầu đến vùng Dĩ An khảo sát địa hình chọn nơi xây dựng và thành lập nhà máy xe lửa. Vì là một nhà máy công nghiệp nên họ chỉ tuyển chọn người có sức khỏe, chủ yếu là nam thanh niên trong độ tuổi từ 18 – 45, để làm công nhân. Ban đầu họ sử dụng những công nhân chưa có tay nghề. Thời gian xây dựng nhà máy kéo dài suốt 10 năm. Năm 1912 thì việc xây dựng nhà máy hoàn thành, đưa nhà máy vào hoạt động chính thức. Chánh Toàn quyền Đông Dương là Albert Sarraut cùng nhiều quan chức người Pháp khác đến tham dự và cắt băng lễ khánh thành Nhà máy xe lửa Dĩ An.

Nhà máy xe lửa Dĩ An có tên gọi chính thức trên văn thư hành chánh là “Grand Atelier des Chemins de Fer de Dĩ An” (cơ xưởng lớn của ngành đường sắt tại Dĩ An). Dân địa phương và công nhân của nhà máy quen gọi là cơ xưởng hỏa xa Dĩ An, gọi tắt là Đề-pô (Dépôt) xe lửa Dĩ An.

Nhà máy xe lửa Dĩ An nằm trên một đồi đất cao, hình thế đất tương đối bằng phẳng. Tổng diện tích khu cơ xưởng nhà máy khoảng 4.000m2, thuộc xã An Bình (xưa là quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định), phía Đông giáp xã Tân Đông Hiệp, phía Tây giáp với Khu công nghiệp Sóng Thần, phía Nam giáp xã Linh Xuân và xã Tam Hà (quận Thủ Đức), phía Bắc giáp xã An Phú và Bình Hòa (Bình Đáng, Tân Long và Bình Đức hiệp lại. Chung quanh có hàng rào bao bọc kiên cố. Nhà máy nằm trên trục lộ giao thông có nhiều đường quan trọng đi qua quốc lộ 1. Nhờ vậy nên việc vận chuyển máy móc cũng như nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất của nhà máy rất thuận tiện.

Nhà máy xe lửa có chức năng bảo trì và sửa chữa đầu máy xe lửa (Locomotive) và sản xuất toa xe (Wagon), nói khác là bảo trì và sửa chữa các đoàn tàu của các tuyến đường sắt của miền Nam và cả nước.

Ngoài ra nhà máy còn đào tạo nghề cho các công nhân. Trường dạy nhề của nhà máy mở khóa học đầu tiên vào năm 1938, do một người Pháp tên Lơ-bạc, Phó Giám đốc của nhà máy phụ trách. Thời gian học nghề là 3 năm, sau đó mỗi năm trường nhận thêm 25 học viên để đào tạo. Số học viên khi ra trường sẽ phân bố làm việc tại nhà máy.

Có thể nói Nhà máy xe lửa Dĩ An là nhà máy lớn nhất của ngành đường sắt Việt Nam thời đó. Vì những năm đầu của thế kỷ 20, phương tiện giao thông liên tỉnh và trong cả nước còn rất hạn chế và khó khăn, chúng ta sẽ thấy được phương tiện giao thông bằng đường sắt thời đó là phương tiện duy nhất, đồng thời cũng thấy được vai trò của ngành đường sắt nói chung và Nhà máy xe lửa Dĩ An nói riêng trong việc sửa chữa đầu máy, sản xuất toa xe cũng như thiết lập đường rầy (Rail) trên những tuyến đường sắt nối liền hai miền Nam – Bắc Việt Nam, vào thời đó là một vai trò vô cùng quan trọng và có tính cách quyết định trong việc phát triển của ngành giao thông – vận tải.

Nhà máy gồm văn phòng của Chánh chủ sở, các phân xưởng và kho vật liệu. Đứng đầu nhà máy là Giám đốc cơ xưởng (Chef d Atelier), ông là một kỹ sư người Pháp tên Pạc-pô-tin, có nhiệm vụ cai quản toàn bộ hoạt động của nhà máy, công nhân thường gọi là xếp Chánh. Dưới giám đốc có phó giám đốc, khoảng 15 đốc công (Contremaitre), hầu hết là người Pháp, chỉ một số ít là người Việt và khoảng 50 cai và sau cùng là công nhân. Riêng công nhân được chia thành nhiều hạng thợ. Khởi đầu nhà máy có khoảng hơn 300 công nhân, về sau phát triển lên tới 500 công nhân.

Ngoài ra, để giữ gìn an ninh, trật tự cho nhà máy, có khoảng 1 trung đội lính Pháp đóng bót canh gác vòng ngoài nhà máy.

Nhà máy được trang bị khoảng 100 cỗ máy nhập khẩu từ Pháp và Đức, đưa vào nhà máy để sửa chữa, lắp ráp đầu máy và toa xe.

Hệ thống sản xuất của nhà máy chia làm 4 phân xưởng:

Phân xưởng 1: Có chức năng sửa chữa đầu máy, được coi là phân xưởng chánh với khoảng 100 công nhân. Đứng đầu phân xưởng là một đốc công, dưới đốc công là cai.

Phân xưởng 2: Là phân xưởng chuyên về các ngành tiện, nguội, phay, bào, rèn, đúc có chức năng gia công những phụ tùng của phân xưởng 1 và 3.

Phân xưởng 3: Chuyên sửa chữa đầu máy (đại tu và trung tu), sửa chữa và đóng các toa xe.

Phân xưởng 4: Chuyên chế biến đồ gỗ, làm mộc, sửa chữa, gia công, sơn những chi tiết bằng gỗ của những toa xe.

Mỗi phân xưởng có một văn phòng gồm có 3 thư ký phụ trách văn thư và một số người giúp việc cho đốc công. Những nhân viên nói trên có nhiệm vụ chấm công hàng ngày cho công nhân.

Ngoài văn phòng của các phân xưởng, còn có văn phòng giám đốc nhà máy. Giám đốc nhà máy trước năm 1930 là Pạc-pô-tin. Sau năm 1930 là Bê-nê-đết. Phó Giám đốc là Đa-tin.

Những người giữ chức vụ cao như cai, đốc công người Việt hầu hết đều xuất thân từ thợ chuyên môn có tay nghề và kỹ thuật giỏi. Riêng công nhân nhà máy phải trải qua một sự tuyển chọn và kiểm tra tay nghề khá chặt chẽ. Nhân viên và công nhân nhà máy có một cuộc sống ổn định.

Hầu hết các đốc công, phó giám đốc và giám đốc nhà máy lúc đầu đều là người Pháp. Từ những năm đầu của thập niên 50, dần dần mới có một số kỹ sư người Việt thay thế các chức vụ đó.

Hệ thống hành chánh lúc đầu như văn thư, bảng chấm công đều sử dụng bằng tiếng Pháp. Từ nhân viên văn phòng đến đốc công, cai đều phải thông thạo tiếng Pháp. Nhìn chung, ngay những năm đầu của thế kỷ 20, ngành đường sắt nói chung và các nhà máy xe lửa nói riêng đã được xem là một trong những ngành công nghiệp nặng quan trọng của Việt Nam

Riêng Nhà máy xe lửa Dĩ An ngay từ đầu đã có một cơ sở sản xuất phát triển mạnh mẽ, được điều hành một cách quy mô, có tổ chức khoa học. Chỉ năm 1937 mà nhà máy xe lửa đã sửa chữa và cho xuất xưởng 120 toa xe, 50 đầu máy và được đánh giá là năm “Kinh tế Đông Dương trở lại thời kỳ hưng thịnh”. Như vậy cho thấy vai trò của Nhà máy xe lửa Dĩ An quan trọng như thế nào trong ngành công nghiệp nặng của Việt Nam vào thời kỳ đó.

Sự ra đời của Nhà máy xe lửa Dĩ An đã có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế của người dân sống tại địa phương. Nó đã làm thay đổi đáng kể về kinh tế của vùng đất Dĩ An. Nó là sự chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp đã có từ lâu đời của Dĩ An sang nền kinh tế công nghiệp ở bước đầu và sự phát triển đó liên tục cho đến ngày nay.

Sự ra đời của Nhà máy xe lửa Dĩ An cách đây gần một thế kỷ, nhưng đã đóng góp một phần quan trọng trong ngành công nghiệp nặng của Việt Nam nói chung và ngành đường sắt nói riêng vào thời kỳ đó.

Mặt khác sự ra đời của Nhà máy xe lửa Dĩ An, là sự ra đời của Chi bộ Đề-pô xe lửa – một Chi bộ Cộng sản được thành lập, do đồng chí Nguyễn Đức Thiệu làm Bí thư. Chi bộ Cộng sản Đề-pô xe lửa Dĩ An – Đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phong trào công nhân và nhân dân Thủ Dầu Một  năm 1930.

—————————————————

Đời sống và các cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy xe lửa Dĩ An dưới góc nhìn “nhận thức giai cấp”

ĐỨC THIỆN – TỐNG PHƯƠNG
Sự ra đời của chi bộ Đảng ở Nhà máy xe lửa Dĩ An là một bước ngoặt lớn trong con đường nhận thức của giai cấp công nhân (CN) miền Nam, sự kiện này đánh dấu giai cấp CN đã thấm nhuần lý tưởng về cách mạng vô sản và sứ mệnh của giai cấp mình trên con đường phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, hầu hết các bài viết về “đời sống, các cuộc đấu tranh và sự ra đời của chi bộ Đảng ở Nhà máy xe lửa Dĩ An” hầu như không đề cập đến quá trình nhận thức giai cấp, phần lớn chỉ đề cập quá trình đấu tranh là do điều kiện sống quá kham khổ. Cách đề cập này đã phần nào làm cho vấn đề mất đi những giá trị về mặt bản chất, thiếu sự cân đối trong quá trình nhận thức và làm cho người đọc không cảm nhận được giá trị ưu việt của chủ nghĩa Mác -Lênin. Chính vì vậy bài viết này chỉ mong muốn bù đắp những khiếm khuyết đã nêu trên và có thêm một góc nhìn mới để vấn đề này càng trở nên sáng tỏ, đầy đủ hơn.Trong công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914) thực dân Pháp đặc biệt chú ý tới việc xây dựng một hệ thống giao thông đường sắt để vận chuyển hàng hóa về chính quốc và đưa binh lính Pháp đến những nơi cần thiết nhằm đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Khi thực dân Pháp mở tuyến đường sắt Bắc -Nam thì cũng là lúc nhiều nhà máy xe lửa đã được xây dựng, tính riêng ở khu vực miền  Nam có Nhà máy xe lửa Dĩ An với nhiệm vụ phục vụ cho việc bảo trì và sửa chữa các đoàn tàu thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn – Biên Hòa – Nha Trang, Sài Gòn – Lộc Ninh, Sài Gòn – Mỹ Tho, Tháp Chàm – Đà Lạt…

Nhà máy có tên chính thức trên văn bản hành chính là “Grand Atelier des Chemins de Fer de Di An” (Cơ xưởng lớn của ngành đường sắt tại Dĩ An). Dân địa phương và CN nơi đây quen gọi là Cơ xưởng hỏa xa Dĩ An, hoặc gọi tắt là Đề pô Dĩ An.

Tổng diện tích khu làm việc của nhà máy khoảng 4.000m2, thuộc xã An Bình (lúc đó còn là quận Thủ Đức – Gia Định), phía Đông giáp xã Tân Đông Hiệp, phía Tây giáp Khu công nghiệp Sóng Thần, phía Nam giáp xã Linh Xuân, Tam Hà (Thủ Đức), phía Bắc giáp xã An Phú và Bình Hòa, cách chợ Dĩ An khoảng 1,5km.

Nhà máy xe lửa Dĩ An ra đời cách đây khoảng 100 năm vào khoảng thập niên đầu của thế kỷ XX, bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 1902 và chính thức đi vào hoạt động vào năm 1912. Trong khoảng 10 năm xây dựng đã có không ít người lao động phải đổ mồ hôi công sức vì đồng tiền bát gạo, vì cuộc sống quá cơ hàn họ buộc phải chấp nhận việc lao động nặng nhọc, khổ sai và họ cũng mong mỏi sau khi nhà máy hoàn thành thì họ sẽ được nhận vào làm việc trong nhà máy, nhưng mấy ai trong số họ có thể thực hiện được mong ước vì việc tuyển chọn công nhân nhà máy rất chặt chẽ, phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

Việc tuyển chọn CN

Muốn trở thành CN nhà máy ít nhất phải đáp ứng được 2 tiêu chuẩn về sức khỏe và tay nghề.

Vì đây là nhà máy công nghiệp cho nên khi khởi công xây dựng, thực dân Pháp chỉ chọn những thanh niên khỏe mạnh, theo nhiều tài liệu cho biết thì đội ngũ những người tuyển chọn nằm trong độ tuổi từ 18 – 45 tuổi. Ngoài ra muốn trở thành CN của nhà máy, người lao động còn phải trải qua giai đoạn tuyển chọn và kiểm tra tay nghề hết sức nghiêm ngặt.

Trước hết họ phải qua cuộc thi sát hạch ở phân xưởng do một đốc công điều khiển. Tiếp đó CN phải trải qua thời gian thử việc, rồi thi tay nghề ở tổ sản xuất do cai tổ chức. Sau khi kiểm tra tay nghề cai đề nghị lên giám đốc xếp bậc lương cho CN, tùy thuộc tay nghề cao hay thấp sẽ nhận mức lương tương ứng. Nhìn chung muốn trở thành công nhân của nhà máy người CN phải có một tay nghề tương đối vững chắc.

Mặc dù ban đầu thực dân Pháp có sử dụng những CN chưa có tay nghề rồi đào tạo họ, trường dạy nghề của nhà máy mở khóa học đầu tiên vào năm 1938, do một người Pháp tên Lơ-bạc, Phó Giám đốc của nhà máy phụ trách. Thời gian học nghề là 3 năm, sau đó mỗi năm trường nhận thêm 25 học viên để đào tạo. Số học viên khi ra trường sẽ phân bố làm việc tại nhà máy. Thế nhưng số lượng CN chưa có tay nghề này là rất hạn chế, càng về sau số lượng càng ít đi.

Số lượng và công việc của công nhân nhà máy

Về số lượng công nhân của nhà máy theo các nguồn tài liệu cho biết khởi đầu nhà máy có khoảng hơn 300 CN, về sau phát triển lên tới 500 công nhân được chia thành nhiều hạng thợ khác nhau:

– Thợ chuyên nghiệp (ouvrier Spécialisé) là thợ có tay nghề và kỹ thuật cao.

– Thợ không chuyên nghiệp (ouvrier non Spécialisé).

– Thợ phụ (aide).

– Lao động phổ thông.

Về công việc của CN cũng rất khác nhau, tùy thuộc vào phân xưởng nơi mình làm việc:

Phân xưởng 1: Được phân bổ khoảng 100 CN, nhiệm vụ chính của CN nơi công xưởng này là sửa chữa đầu máy, là phân xưởng chính của nhà máy, nên đa số những người làm việc nơi đây là những người đã có tay nghề, kinh nghiệm và kỹ thuật cao.

Phân xuởng 2: Có khoảng 100 CN làm việc, công việc chính của họ là tiện, nguội, phay, bào, rèn, đúc có chức năng gia công những phụ tùng cao cấp cho phân xưởng 1 và 3.

Phân xưởng 3: Có số lượng CN làm việc ít hơn phân xưởng 1 và 3, chỉ với khoảng vài chục CN, họ chuyên sửa chữa đầu máy, sửa chữa và đóng các toa xe.

Phân xưởng 4: Cũng chỉ có vài chục CN làm việc, công việc chính của họ là chuyên chế biến đồ gỗ, làm mộc, sửa chữa, gia công, sơn những chi tiết bằng gỗ của những toa xe như khung cửa, ghế ngồi, kệ hành lý.

Việc đi lại và nơi ở của CN 

Số lượng CN trong Nhà máy xe lửa Dĩ An có khoảng 70% là dân địa phương Dĩ An và các xã phụ cận nhà máy, 30% còn lại đến từ các địa phương khác như Sài Gòn, Thủ Đức, Biên Hòa.

Nhân viên và CN của nhà máy mỗi ngày đi làm hay trở về nhà đều có xe đưa rước, từ Sài Gòn, Thủ Đức nhân viên và CN nhà máy đi bằng chuyến xe lửa chở hành khách Sài Gòn – Biên Hòa, đến ga Dĩ An lúc 7 giờ sáng, sau đó cùng nhân viên và CN tại địa phương đến nhà máy bằng chuyến xe lửa dành riêng cho CN từ ga Dĩ An vào nhà máy.

CN và nhân viên vào nhà máy bằng bất cứ phương tiện nào khác đều không được chấp nhận, một khi không vào nhà máy coi như nghỉ việc không lý do và vi phạm nhiều lần sẽ bị sa thải.

Trường hợp đối với những CN ở xa mà không muốn về mỗi ngày, có thể xin nhà máy cấp nhà cho ở cùng với gia đình. Có khoảng 30 căn hộ, trong đó có 15 căn hộ đôi, dãy nhà dành cho CN ở lại này gọi là phố Tây (vì dãy nhà do giám đốc của nhà máy là người Pháp, mà nguời dân quen gọi là Tây xây dựng nên gọi là phố Tây, người miền Nam gọi phố  tức  chỉ nhà cho thuê để ở). Dãy nhà xây trên đất của nhà máy, nằm bên ngoài khuôn viên của nhà máy, dọc theo chân tuờng bao quanh nhà máy (gần đình Dĩ An). Chân tường bao quanh nhà máy cũng là nơi sau đó dùng để xử bắn những nguời yêu nước của Dĩ An đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp tại Dĩ An, có không ít người đã ngã xuống dưới chân tường Đề pô Dĩ An, xác bị vùi sâu trong lòng đất.

Về mức lương của CN nhà máy

Mức lương chính của CN Nhà máy xe lửa Dĩ An cũng rất rẻ mạt: Đối với những CN có tay nghề giỏi họ chỉ được nhận 1,5 đồng/ngày, còn đối với thợ hạng nhất được 1,2 đồng/ngày, thợ phụ chỉ được 0,8 đồng/ngày, mặc dù ngoài mức lương chính CN còn có thêm phụ cấp vợ con, nếu nhà máy cử đi công tác ở xa, họ còn có thêm phụ cấp đi đường tính theo số lượng ngày được cử đi, số ngày làm việc được tính theo chế độ 5 ngày rưỡi (CN được nghỉ chiều thứ bảy và chủ nhật), mỗi ngày làm 8 tiếng, mỗi năm CN còn được nghỉ lễ và nghỉ phép, nghỉ vì lý do đau ốm nếu có chứng nhận của bác sĩ thì đều được trả lương. Song cuộc sống của họ vẫn vô cùng khó khăn.

Nhìn chung so với tầng lớp bần, cố nông lúc bấy giờ thì CN có mức lương ổn định hơn, thế nhưng những đồng lương của CN nhà máy nhận được lúc bấy giờ cũng chỉ là những đồng lương chết đói, đời sống của CN Nhà máy xe lửa Dĩ An cũng chẳng khá hơn gì CN cả nước, họ đều bị bóc lột nặng nề, vắt kiệt sức lao động và trí óc, làm việc hết sức nặng nhọc, chính vì vậy nên phong trào đấu tranh của CN cũng diễn ra mạnh mẽ ở đây.

Phong trào đấu tranh của CN Nhà máy xe lửa Dĩ An

CN Nhà máy xe lửa Dĩ An nổi dậy đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chi bộ dự bị đặc biệt Đề pô xe lửa Dĩ An, thành lập vào tháng 1-1930, do đồng chí Nguyễn Đức Thiệu làm Bí thư. Chi bộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức, tập hợp, giác ngộ về ý thức giai cấp và lãnh đạo CN đứng dậy đấu tranh.

Một số cuộc đấu tranh nổi bật của CN Nhà máy xe lửa Dĩ An có thể kể đến như sau:

Hòa chung vào không khí cách mạng đang dâng cao lên trong cả nước sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), phong trào đấu tranh của CN trong cả nước đã có sự chuyển biến về chất từ tự phát sang tự giác, các cuộc đấu tranh của CN diễn ra mạnh mẽ, đồng loạt trong cả nước, nêu cao các khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống, cao hơn là giành chính quyền trong cả nước. CN Nhà máy xe lửa Dĩ An với khoảng 400 CN cũng hăng hái xuống đường bãi công, biểu tình vào tháng 4-1926 nêu cao các khẩu hiệu: tăng lương từ 20 – 40%, giảm giờ làm xuống còn 8 giờ/ngày… Cuộc bãi công chỉ diễn ra trong vòng 2 ngày thì bị thực dân Pháp đàn áp và dập tắt.

Thế nhưng ngọn lửa đấu tranh của CN Nhà máy xe lửa Dĩ An vẫn bùng cháy, sau đó họ còn nổi dậy đấu tranh vào ngày 1-5-1930 kéo dài trong vòng 5 ngày cũng khiến thực dân Pháp cũng hoang mang và tìm cách đối phó. Đặc biệt hơn cả là cuộc bãi công nổ ra sau đó 2 năm vào ngày 12-7-1937, toàn bộ CN nhà máy đồng loạt nổi dậy bãi công được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân địa phương và cũng gây ảnh hưởng nhất định tới phong trào CN ở Nam kỳ. Cuộc bãi công kéo dài hơn 1 tháng (khoảng 33 ngày) thì bị dập tắt. Mặc dù thất bại nhưng phong trào đấu tranh của CN Nhà máy xe lửa Dĩ An đã gây được những tiếng vang nhất định trong phong trào CN cả nước, tạo ra cho Pháp nhiều thiệt hại, sau cuộc bãi công lần thứ ba các công xưởng và nhà ga đều bị đóng cửa.

Nhìn chung CN Nhà máy xe lửa Dĩ An cũng như giai cấp CN trong cả nước chính là sản phẩm của công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp ở Đông Dương. Chính sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp là nguyên nhân dẫn đến các phong trào đấu tranh của CN chống Pháp trên phạm vi cả nước. Giai cấp CN chính là giai cấp đảm đương sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng đi đến vinh quang, CN Nhà máy xe lửa Dĩ An là một bộ phận không thể thiếu góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đánh Pháp, đuổi Mỹ, giành thắng lợi vẻ vang cho dân tộc.

Phong trào đấu tranh của CN và sự ra đời của chi bộ Đảng Nhà máy xe lửa Dĩ An phải chăng là yếu tố tất yếu của lịch sử ?

Sự ra đời của Đảng Cộng sản theo Lênin đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác và phong trào CN. Tất nhiên, chúng ta cũng cần phải nói rõ rằng: chỉ có 2 yếu tố này thôi thì chưa thể bảo đảm cho sự ra đời của Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản chỉ ra đời khi giai cấp CN đã thấm nhuần tư tưởng của chủ nghĩa Mác, lấy chủ nghĩa Mác làm hệ tư tương cho quá trình đấu tranh của mình.

Mặt khác, chủ nghĩa Mác cũng phải thông qua giai cấp CN để thể hiện đầy đủ những giá trị ưu việt và tinh túy của nó. Song đó là đối với  những nước tư bản độc lập. Với những nước thuộc địa, Hồ Chủ tịch nhận thức được rằng: ngoài chủ nghĩa Mác, phong trào đấu tranh của CN, để cho Đảng ra đời còn phải dựa trên những phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì chỉ có phong trào đấu tranh của CN thôi thì chưa đủ, thực dân  – đế quốc là những lực lượng xảo trá và bạo động, với tiềm lực của mình chúng có thể dễ dàng dập tắt những phong trào CN riêng rẽ. Nhưng nếu phong trào CN được kết hợp với phong trào yêu nước thì luôn tạo ra một sức mạnh tổng lực rất đáng kể. Và chỉ có sức mạnh tổng lực đó mới bảo đảm sự ra đời và hoạt động của Đảng.

Trở lại với vấn đề: Phong trào đấu tranh của CN và sự ra đời của chi bộ Đảng Nhà máy xe lửa Dĩ An phải chăng là yếu tố tất yếu của lịch sử? Hiển nhiên « có áp bức thì có đấu tranh », song chúng ta cần đặt vấn đề trong thời điểm năm 1930, với thân phận là một nước thuộc địa của Pháp.

Rõ ràng, nguyên nhân và cũng là động lực của phong CN xuất phát từ 2 tiền đề:

Thứ nhất: Đời sống công nhân khổ cực, giai cấp thống trị bóc lột, áp bức thậm tệ.

Thứ hai: Giai cấp CN thấm nhuần nhận thức về vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình.

Tất nhiên, những phong trào CN giai đoạn này nguyên nhân đều là sự kết hợp cả 2 yếu tố đời sống và nhận thức, nhưng phần lớn là xuất phát từ điều kiện làm viêc quá khắc nghiệt, mức lương không đủ sống.

Với CN Nhà máy xe lửa Dĩ An chúng tôi lại có một sự nhìn nhận khác. Nói như vậy không có nghĩa là CN ở đây không bị bóc lột, không phải chịu đói khổ, họ cũng chịu cảnh dân nô lệ như bao CN khác, phải làm việc vất vả, lương bổng ít ỏi… Song thực tế cho thấy rằng: So với CN trên toàn cõi Đông Dương nói riêng và CN của thực dân Pháp ở thuộc địa nói chung thì họ đang được « hưởng » những điều kiện « dễ thở » nhất so với những người cùng giai cấp với họ.

Thực dân Pháp luôn ý thức được vai trò quan trọng của hệ thống giao thông nhất là giao thông đường sắt, chính vì thế ngay trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng hàng ngàn km đường sắt tại Đông Dương chủ yếu  tập trung tại Việt Nam. Tầm quan trọng đặc biệt của đường sắt đã khiến nhà cầm quyền Pháp chú ý hơn đến CN làm việc trong lĩnh vực này. Nếu so sánh giữa CN đường sắt và CN cao su chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt. CN đường sắt phần lớn phải tuyển trạch nghiêm, được đào tạo khá bài bản. Cuộc sống của bản thân và gia đình phần nào có sự quan tâm về mức lương, phương tiện đi lại và chỗ ở. Chế độ làm việc của CN đường sắt cũng nhẹ nhàng hơn, ngày làm việc 8 giờ, được nghỉ chủ nhật, đau ốm vẫn được hưởng lương. Trái lại, CN đồn điền cao su và các ngành khai thác khác không khác gì những cỗ máy biết nói, ngày làm việc quần quật 12 – 13 giờ, không có chủ nhật, không được ốm đau, ốm – phạt, chậm – phạt… ngay cả tính mạng CN cũng hoàn toàn bị xem rẻ.

Như vậy, xét nguyên nhân và động lực thứ nhất về đời sống và chế độ làm việc của CN chúng ta nhận thấy chừng đó là chưa đủ để phát động lên những phong trào đấu tranh mạnh mẽ và đặc biệt là tạo điều kiện cho sự ra đời chi bộ Đảng đầu tiên ở Nam bộ.

Nhận thức của giai cấp CN Việt Nam nói chung và CN Nhà máy xe lửa Dĩ An nói riêng không chỉ được đánh dấu bằng mốc son, mà nó được thể hiện qua từng giai đoạn lịch sử. Ở mỗi giai đoạn đều có những đặc trưng riêng phản ánh đúng thực trạng đời sống cũng như những tư tưởng mà họ đang có. Tư tưởng cách mạng vô sản, tư tưởng Mác – Lênin được truyền thành công vào Việt Nam trong giai đoạn từ 1928-1930. Điểm đầu của quá trình này là việc đồng chí Nguyễn Aí Quốc mở các lớp huấn luyện cho các hội viên của tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Thông qua tổ chức này nhiều tài liệu quan trọng đã được truyền về Việt Nam, cao hơn nữa là quá trình vô sản hóa (1928-1929), đưa hội viên của mình thâm nhập vào đời sống CN, giác ngộ cho các tầng lớp lao động.

Năm 1929, Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội cử đồng chí Nguyễn Văn Lợi (tức Lợi đen) đi « vô sản hóa » ở Nhà máy xe lửa Dĩ An. Đồng chí Lợi đã tích cực tuyên truyền vận động CN chống lại sự áp bức, bóc lột của bọn tư bản. Cùng thời gian này vào mùa thu, một số chi bộ được thành lập ở các tỉnh Nam bộ. Đồng chí Châu Văn Liêm (tức Việt – Bí thư Trung ương lâm thời An Nam Cộng sản Đảng cử đồng chí Nguyễn Đức Thiệu (tức Tích) đến Nhà máy xe lửa Dĩ An xây dựng cơ sở, để thành lập một chi bộ và Công hội đỏ tại đây. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng chí Thiệu xin vào làm cu li trong nhà máy nhằm gần gũi, tiếp xúc với CN để tuyên truyền, vận động và thông qua một số CN tốt để hoạt động. Thời gian này, đồng chí Phạm Hữu Lầu (tức Lộ) được đề cử vào An Nam Cộng sản Đảng, cũng đến Dĩ An công tác, đồng chí đã tuyên truyền cách mạng rộng rãi và bí mật chuyền tay nhau đọc những sách báo tiến bộ đã phần nào giác ngộ được họ. Mặt khác, đồng chí còn bí mật liên lạc với đồng chí Thiệu vận động CN đấu tranh, xây dựng cơ sở và tổ chức lập chi bộ tại nhà máy. Sau quá trình chuẩn bị, tháng 1-1930 Chi bộ đề-pô xe lửa Dĩ An ra đời, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu làm bí thư theo sự chỉ định của cấp trên.[1]

Nhìn vào quá trình nhận thức của CN Nhà máy xe lửa Dĩ An chúng ta thấy có rất nhiều điều kiện khách quan thuận lợi.

– Thứ nhất: Do tính chất công việc, CN tại đây được đi nhiều nơi. Tiếp xúc với nhiều người, nhiều luồng thông tin. Chính vì vậy, Dĩ An vừa là đầu nút giao thông đường sắt quan trọng vừa là đầu mối chính trị, nơi tiếp nhận các mối liên lạc và cũng là nơi rất thuận tiện cho việc trao đổi thông tin. Với môi trường này, người CN trở nên hiểu biết sâu rộng về tình hình trong nước cũng như thế giới hơn. Thực tế lịch sử cho thấy: ngay từ rất sớm CN Nhà máy xe lửa Dĩ An đã biết phát động những phong trào đấu tranh có tính chất vô sản quốc tế như phong trào đấu tranh ủng hộ Cách mạng Tháng Mười, kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5, hay hưởng ứng lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh…

– Thứ hai: Do nhận thức được tầm quan trọng của vị trí chiến lược Nhà máy xe lửa Dĩ An, An Nam Cộng sản Đảng đã sớm cử cán bộ tới nhà máy để xây dựng phong trào. Trong thời gian này tại nhà máy thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chính trị, các buổi diễn thuyết công khai và bán công khai. Các sách báo và tài liệu quan trọng của cách mạng cũng được tuyên truyền tới tay CN. Với môi trường thuận lợi đó sự nhận thức về giai cấp của CN tại đây đã có sự tiến bộ vượt bậc. Chi bộ Đảng đề-pô xe lửa Dĩ An ra đời trở thành cột mốc quan trọng đối với phong trào cách mạng của nhân dân Dĩ An nói riêng và có sự tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước ở Thủ Dầu Một nói chung.

Đã gần một thế kỷ trôi qua, bài học về nhận thức giai cấp vẫn còn nguyên giá trị. Song, trên thực tế vẫn còn một phần nhỏ đảng viên ngày nay chưa nhận thức hết vai trò và sứ mệnh của giai cấp mình. Chính vì vậy, việc phát triển nhận thức cho đảng viên là việc làm rất quan trọng và cấp thiết vì: « Nhận thức phản chiếu những giá trị quá khứ, hé mở bối cảnh tương lai ».

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1930-1975), BCH Đảng bộ tỉnh Bình Dương, NXB Chính trị Quốc gia.

2. Lịch sử phong trào CN Nhà máy xe lửa Dĩ An – Bộ Giao thông – Vận tải, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, 1999.

3. Lịch sử Đảng bộ huyện Dĩ An (1930-2005), BCH Đảng bộ huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, NXB Chính trị Quốc gia.

4. Tìm hiểu tư  tưởng Hồ Chí Minh – NXB Lý luận chính trị.

5. Lênin nói về nền kinh tế XHCN – NXB Thông tấn xã Nô-vô-xti Mát-xcơ-va, 1983.

6. Tài liệu điền dã cá nhân. Tài liệu điền dã huyện Dĩ An tháng 6-2010.


[1] Nguyễn Thị Ngọc Minh – Tại sao một trong ba chi bộ Đảng đầu tiên ở Nam bộ được thành lập tại Nhà máy xe lửa Dĩ An? Trích dẫn từ website: http://www.sugia.vn

———————————————-

Một số nét về đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương

THANH HÒE – H.T
Đờn ca tài tử là một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc mà không gian văn hóa của nó bao trùm toàn khu vực Nam bộ, len lỏi vào đời sống nhân dân từ nông thôn đến thành thị. Nhận thấy tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này, từ năm 2008, Ban Giám đốc Bảo tàng Bình Dương đã chỉ đạo thực hiện công tác điều tra, khảo sát, bước đầu thu thập tư liệu về loại hình nghệ thuật này.Theo số liệu điều tra năm 2009, trong toàn tỉnh có khoảng 56 câu lạc bộ (CLB) và 5 nhóm đờn ca tài tử, trong đó tập trung đông nhất và phát triển mạnh nhất ở các huyện: Dĩ An (15 CLB), Tân Uyên (7 CLB), Thuận An (7 CLB và 5 nhóm) và TX.TDM (9 CLB). Ở mỗi huyện đều thành lập được CLB đờn ca tài tử cho riêng mình hoặc do tính cách của người dân Đông Nam bộ ưa đờn ca tài tử nên nếu không thể thành lập được đội riêng thì trong đội văn nghệ của huyện cũng có nhóm hát đờn ca tài tử riêng để góp vui trong những hoạt động của huyện và tham gia phong trào mỗi năm do tỉnh tổ chức. Nhưng mạnh nhất, chiếm số đông nhất là những CLB, những nhóm đờn ca tài tử tự phát, được thành lập bởi những người yêu đờn ca tài tử. Và một dạng nữa là CLB, nhóm đờn ca tài tử gia đình, thành viên trong nhóm có khi hoàn toàn chỉ là những thành viên trong gia đình hoặc có thêm một vài người ngoài được mời vào tham gia. Mỗi nhóm, CLB thường có từ 10 – 20 người tham gia. Ngoài ra, còn có khoảng 30 nghệ nhân đờn ca tài tử cựu trào, không thuộc nhóm hoặc CLB nào cả. Họ vẫn sinh hoạt nhưng theo thú vui và không có tên trong danh sách của CLB và nhóm nào cả.

Những CLB, những nhóm đờn ca tài tử trên hoạt động có nhóm trình lên Ủy ban xã/thị trấn/phường và được sự cho phép của chính quyền, có bầu ra Ban chủ nhiệm CLB, có tôn chỉ hoạt động, có đề ra thời gian sinh hoạt định kỳ đều và giữa những CLB gần nhau có sự giao lưu khá thường xuyên với nhau. Có CLB sinh hoạt định kỳ hàng tháng vào ngày 15 hoặc 16 khi trăng sáng tỏ (như CLB Tiếng tơ đồng, xã Tân An, TX.TDM) hoặc có những CLB sinh hoạt hàng tuần (như CLB Phú Thọ của TX.TDM và một số CLB của TT. Dĩ An). Nhưng cũng có những người yêu đờn ca tài tử, tự tụ họp lại với nhau trong những lúc rảnh rỗi chứ không nhất định theo một thời gian nào, hát vui cho nhau nghe, bà con quanh đó thấy xôm tụ thì tụ tập nhau lại cùng hát, cùng vui. Họ không thành lập thành CLB, không thành nhóm.

Về hoạt động của những CLB, nhóm trên qua điều tra chúng tôi thấy nếu như trước đây những CLB, nhóm được thành lập chỉ hát đờn ca tài tử, không có những loại hình khác như cải lương đan xen vào thì hiện nay chỉ một số ít CLB thuần túy hát đờn ca tài tử như CLB đờn ca tài tử TT. An Thạnh (Thuận An) tập trung lớp nghệ nhân lớn tuổi dưới dạng tự phát và CLB đờn ca tài tử 414 (TT. Dĩ An) là một nơi thu hút rất nhiều người am hiểu đờn ca tài tử đến sinh hoạt. Nếu CLB của huyện thì có nghệ nhân lớn và nhỏ tuổi, hoạt động văn nghệ kiêm luôn phần biểu diễn đờn ca tài tử; ở những CLB, nhóm tự phát thì luôn có thêm phần hát cải lương, hát tân cổ giao duyên cho phong trào thêm xôm tụ; ở những nhóm mở ra hoạt động phục vụ cho đám cưới, đám ma, mừng thọ hoặc những tụ điểm ca nhạc thì gồm nhiều loại hình đan xen nhau. Hoạt động của những CLB, nhóm trên cũng chia thành những CLB, những nhóm hát cho vui và những CLB có hoạt động kinh doanh. Ở những CLB, nhóm hát cho vui, vào những ngày quy định, những thành viên tụ họp ở nhà một thành viên nào đó, có CLB thì ở nhà ông chủ nhiệm CLB, có CLB thì xoay vòng mỗi ngày ở nhà một thành viên hoặc ở nhà những thành viên có sân vườn rộng rãi, thoáng mát. Chủ nhà có trách nhiệm bày biện trà, thuốc, hoa quả, bánh kẹo, nhất là với truyền thống mỗi khi có sinh hoạt đều mời thành viên của những CLB, những nhóm khác cùng tham gia nên vừa để cho “ngọt giọng”, vừa để tiếp khách. Kinh phí thì có thể do những thành viên góp lại hoặc thỉnh thoảng có những nhà mạnh thường quân giúp đỡ, tài trợ. Nhưng những CLB, nhóm này rất ít mà chủ yếu họ có hoạt động để có thu nhập. Hoạt động thường thấy là tới góp vui cho đám cưới, đám hỏi, đám sinh nhật, đám mừng thọ và đám ma. Ở những đám như vậy, thù lao không nhiều lắm và cũng không thường xuyên nhưng cũng có chút ít kinh phí để hoạt động.

Hiện nay có mô hình, phong trào hát đờn ca tài tử ở những quán cà phê, quán nhậu. Phong trào này mở ra và phát triển mạnh ở huyện Dĩ An, đặc biệt là thị trấn Dĩ An. Những tụ điểm như vậy không chỉ thu hút những nghệ sĩ chuyên nghiệp, những người có sinh hoạt trong những CLB, những nhóm đờn ca tài tử mà thu hút cả những người từ trước tới nay không tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử, hoặc đơn giản chỉ là những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này và tới nghe mà thôi. Đây cũng là một sáng kiến, một mô hình để có thể vừa phổ biến đờn ca tài tử, vừa duy trì được sức sống của nó trong sinh hoạt văn hóa thường nhật. Mô hình này mở ra một hướng đi mới cho những người đang thực hành di sản văn hóa phi vật thể này.

Số nghệ nhân hiện còn sống, thực sự am hiểu và có thể đàn, hát được 20 bài tổ của đờn ca tài tử còn lại rất ít. Có thể kể đến những nghệ nhân: Phạm Ngọc Phú (nghệ sĩ đờn), Cao Thị Thắng (nghệ nhân ca) ở huyện Dĩ An, Nguyễn Thế Hùng (nghệ nhân ca), Lê Đức Cang (nghệ nhân đàn), Nguyễn Thị Sang (nghệ nhân ca), Nguyễn Văn Đặng (nghệ nhân đàn kìm), Võ Văn Quí (nghệ nhân đờn), Huỳnh Văn Hai (nghệ nhân ca), Nguyễn Văn Sang (nghệ nhân đờn và ca) huyện Thuận An, Đỗ Văn Dặn (nghệ nhân ca và đánh đàn kìm) huyện Tân Uyên, Trần Thị Kim Anh (nghệ nhân ca kiêm soạn giả), Đoàn Minh Đức (nghệ nhân ca kiêm soạn giả) huyện Dầu Tiếng, nghệ nhân Tư Còn (nghệ nhân đờn kìm) TX.TDM… Đó là những nghệ nhân đã lớn tuổi, có những nghệ nhân còn tham gia CLB nhưng cũng có không ít nghệ nhân vì sức khỏe không cho phép nên chỉ thỉnh thoảng mới tham gia sinh hoạt.

Lớp nghệ sĩ trẻ kế tục hiện nay hầu hết không biết đủ 20 bài bản tổ, chỉ biết một số bài bản tổ hoặc thậm chí chỉ một vài lớp, một vài câu trong một bài bản. Những nghệ sĩ này chủ yếu hát những loại hình nhạc mới hơn như cải lương, tân cổ giao duyên, vọng cổ. Đây là loại hình dễ học, dễ hát, dễ nghe hơn nên đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc hiện nay. Và hiện nay xu hướng chủ yếu để phục vụ cũng là những loại nhạc này bởi những bài bản cũ vừa buồn, vừa dài, vừa trúc trắc khó hiểu mà trong những cuộc vui như vậy thì cần phải có những bài hát để “góp vui”, làm cho không khí sôi động lên.

Điểm đặc biệt của đờn ca tài tử Bình Dương so với các tỉnh bạn là ngón đờn kìm độc đáo (khi đánh đàn nguyệt, thay vì để ngang lại dựng đứng đàn lên, lăn đốt giữa của ngón tay đeo nhẫn thay vì đầu ngón), là kiểu dây Ngân giang do nghệ nhân Ba Còn (người Dĩ An) sáng tạo và bài bản Tây Thi Quảng (mang hơi hướng Quảng Đông, Trung Quốc) do ông Út Búng (TT. An Thạnh, Thuận An) tạo nên. Những sáng tạo đó đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng đờn ca tài tử Nam bộ.

Tóm lại phong trào đờn ca tài tử của tỉnh Bình Dương so với những tỉnh khác trong khu vực phát triển khá mạnh là do tỉnh nhà có một lớp nghệ nhân dày dặn, nhu cầu thưởng thức của người dân khá lớn và được sự quan tâm của chính quyền, đặc biệt trong việc tổ chức những phong trào, những cuộc thi từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Nhưng vì là những CLB, nhóm tự phát nên có những CLB, nhóm hoạt động không thường xuyên, không có tính chuyên nghiệp cao. Do thị hiếu âm nhạc hiện nay nên lớp nghệ nhân trẻ không học đủ theo 20 bài bản tổ cũ mà chỉ quan tâm đến một số bài và học những loại hình khác để thi trong các cuộc thi văn nghệ. Vì vậy xu hướng của phong trào đờn ca tài tử hiện nay không đi vào chiều sâu là biết hết 20 bài bản tổ mà chỉ biết một số bài hoặc một số lớp, một số câu trong một bài bản và có hiện tượng biến những sinh hoạt trong CLB đờn ca tài tử thành đờn ca vọng cổ, ca cải lương…

Tư liệu điền dã cá nhân

http://www.sugia.vn

————————————————————————————————————————-

Chùa núi Châu Thới huyện Dĩ An, Bình Dương: Một di tích danh lam- thắng cảnh quốc gia 

* NGUYỄN HIẾU HỌC

Chùa Núi Châu Thới là ngôi chùa xưa nhất của Bình Dương và là một trong những ngôi chùa hình thành sớm vào hàng đầu ở Nam bộ (ở nửa sau TK XVll). Chùa được xây trên ngọn núi Châu Thới (cao 82m) ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương,nên có tên chùa Núi Châu Thới. Chùa núi này cách thành phố Biên Hòa 4km, TX.TDM 20km, TP.HCM 24km và đã được xếp hạng là Di tích Danh lam – Thắng cảnh quốc gia(1).
Cổng chùa bằng đá dưới chân núi có đề tên chùa bằng chữ Hán ”Châu Thới Sơn Tự’. Du khách bước lên 220 bậc thềm sẽ đến cổng tam quan có ba mái cong và bánh xe pháp luân nằm ở giữa đỉnh, hai bên cửa có mấy chữ ”TỪ BI – Hỉ XẢ…”‘. Giữa Giảng Phật đường có tấm biển đề 4 chữ:
”Châu Thới Sơn Tự”, trên biển có ghi thêm dòng chữ ”Tân Dậu niên, chánh ngoặt sơ kiết nhật” (ngày tốt đầu tháng giêng năm Tân Dậu) bên dưới ghi rõ hàng số 1612 (có thể hiểu chùa được xây năm 1612).
Sách ”Sơ thảo Phật giáo Bình Dương”nói về nguồn gốc ngôi chùa này: ”Ngôi chùa đầu tiên ở vùng đất Bình Dương ngàynayđượcxâyvào khoảng năm 1612, do.Thiền sư Khánh Long, trên bước đường vân du hoẵng pháp (…) lên đồi Châu Thới thấy cảnh hữu tình, sư cất một thảo am nhỏ để tu tịnh, thảo am được gọi là chùa Hội Sơn sau đổi tên thành chùa Núi Châu Thới (2).
Nhưng sau đó mấy trang, tác giả cuốn sách này lại tỏ ra hồ nghi và cho rằng năm thành lập chùa (1612) như nói trên là không hợp lý. Trước hết năm 1612 không phải là năm Tân Dậu mà là năm Nhâm Tý, hơn nữa đó là thời điểm quá sớm so với việc định cư số đông của người Việt tại vùng đất mới này. Rồi tác giả đưa ra nhận định: ”Chùa lập vào năm 1681 và sau này ngài Thành Nhạc trùng tu và hành đạo nơi đây thì hợp lý hơn” (3). Theo chúng tôi, ý kiến trên là có nhiều cơ sở, vì hầu hết các sách viết về chùa cổ ở Nam bộ đều cho biết, những ngôi chùa xưa nhất ở Nam bộ đã được xây dựng vào nửa sau thế kỷ XVll. Chẳng hạn sách “Nhữngngôichùa cổNambộ”đã viết: ”Ba ngôi chùa cổ là Bửu Phong, Long Điền và đại Giác tiêu biểu cho những điểm trụ tích đầu tiên của sơ Tổ Phật giáo Nam bộ (…). Chùa Bửu Long nguyên chỉ là am nhỏ được thành lập nên từ giữa thế kỷ XVll (…). Chùa Long điền (Tổ đình Sơn môn Nam Việt) lập 1664 (…). Chùa Đại Giác được lập vào cuối thế kỷ XVll” (4). Theo các cứ liệu dẫn trên, năm Tân Dậu ghi trên biển chùa Núi Châu Thới nhằm vào năm 1681 là thời điểm hợp lý hơn cả. Nhưng cho dù được thành lập vào năm 1681 chùa Núi Châu Thới ở huyện Dĩ An hiện nay vẫn là ngôi chùa xưa nhất Bình Dương và được hình thành sớm vào hàng đầu ở Nam bộ.
Đặc biệt chùa nằm trên đỉnh núi Châu Thới, được xem như là một thắng cảnh ở giữa một vùng đồng bằng rộng lớn. Núi cao 82m sovới mặt bể, chiếm diện tích trên 25 ha lại nằm kếcận những khu dân cư của các tỉnh. thành: Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. Vị trí danh thắng này rất thuận tiện cho việc tham quan, du lịch, vì gần các khu vui chơi nghỉ mát khác như chùa Tam Bảo, suối Lồ Ồ, núi Bửu Long (Biên Hòa). Chính vị trí và cảnh quan của núi Châu Thới đã làm tôn thêm vẻ đẹp uy nghi khoáng đãng hiếm có của ngôi chùa này. Nhiều sách cổ đã từng nhắc đến ngọn núi và ngôi chùa trên. Chẳng hạn sách: ”Gia Định Thành Thông Chỉ đã viết: ”Núi Chiêu Thới (nay là Châu Thới) (…) từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt làm tấm bình phong triều về trấn thành (…). Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao la ngoài cửa tục” (5). sách “Đại Nam Nhất Thống Chí cũng miêu tả chùa Châu Thới gần giống như trên: ”Núi Chiêu Thới tục gọi là núi Châu Thới, ở phía nam huyện Phước Chính 21 dặm, từng núi cao tít làm bình phong cho tỉnh, thành (…). Khoảng giữa núi Chiêu Thới (…) có am Vân Anh là nơi Ni cô Lượng tĩnh tu,di chỉ nay vẫn còn (…) Đột Khởi một gò cao bằng phẳng rộng rãi, ở bên có hang hố và nước khe chảy quanh, nhà của nhân dân ở quanh theo. Trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư khánh Long trác tích tu hành. Năm Bính Thân đạo Hòa Nghĩa là Lý Tài chiếm cứ Chiêu Thới tức là chỗ này. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) đem núi này liệt vào tự điển” (6).
Trong thời Pháp thuộc, nhờ vào địa thế hiểm trở và cảnh u tịch thanh vắng của ngôi chùa núi, nhiều người yêu nước thường đến đây ẩn náu, tụ hợp để hoạt động chống Pháp: Vào năm 1916 các hội viên của ”Thiên Địa Hội” thuộc vùng DĩAn – Lái Thiêu đã đến chùa Châu Thới tập võ nghệ mưu tính việc chống lại bọn cai trị người Pháp. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, chùa Núi Châu Thới là nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đến ẩn náu và hoạt động cánh mạng.
Đến nay chùa không còn lưu giữ được đầy đủ những long vị và Tháp của các vị thiền sư khai sơn mà chỉ thờ các tổ bằng tượng gỗ chạm và một số long vị của các Hòa thượng đời sau này. Tương truyền chùa do thiền sư Khánh Long tạo lập từ đầu thế kỷ XVll (1612) như đã nói ở phần trên, nhưng cũng có sách cho là do thiền sư thành Nhạc An Sơn khai sơn và viên tịch tại nơi này ngày 17-12- 1776. Trước đây tại chùa có ngôi bảo Tháp của tổ Thành Nhạc nhưng nay không còn (7).
Được biết tổ Thành Nhạc có nhiều đệ tử nổi danh như ngài Phật Chiếu Linh Quang, ngài Tổ Kim và Thiện Đức… Trải qua hơn ba trăm năm lịch sử đầy biến động chịu bao hủy hoại tàn phácủathởi gian và chiến tranh, chùa Núi Châu Thới ngày nay không còn giữ được dấu tích, di vật nguyên thủy của một chùa cổ được hình thành vào hàng sớm nhất Nam bộ. Hiện chùa là một quần thể kiến trúc đa dạng được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau: gốm ngôi chánh điện, các điện thờ thiên Thủ Thiên Nhãn, Linh sơn Thánh mẫu, Diêu trì kim mẫu, Ngũ hành nương nương và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. ở đây còn cho thấy rõ nét sự dung hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian như phần đông các ngôi chùa Phật giáo ở nước ta.
Nhà tổ và giảng đường của chùa được trùng tu vào năm 1930. Năm 1971 hoàn tất việc xây 220 bậc thềm (xi măng) đường dẫn lên chùa, đến năm 1989 xây thêm cửa tam quan. Ngôi chánh điện được xây lại khá quy mô bằng bê tông cốt sắt vào năm 1993… Nét nổi bật về trang trí kiến trúc của chùa là dùng nhiều mảnh gốm sứ màu sắc gắn kết đắp thành hình con rồng dài hơn cả mét đặt ở đầu đao của mái chùa và có đến 9 hình rồng như thế hướng về nhiều phía. Ngoài việc có niên đại hình thành khá sớm cách đây trên 300 năm, chùa còn có nhiều giá trị về đặc điểm cấu trúc cũng như về nghệ thuật thao tác tạo hình như đúc, nung, điêu khắc, chạm trổ qua các tranh tượng vật dụng, tự khí bằng đồng, gỗ, đất nung… Chánh điện được thiết kế: Dành phần trên thờ phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí; tầng kế thờ Phật Thích Ca; tăng dưới là nơi thở Phật giáng sinh. Toàn bộ những tượng đồng được đúc tại chùa, do nhóm thợ chuyên môn của xứ Huế thực hiện. Chùa còn thờ bộ Thập Bát La Hán vàThập Điện Diêm Vương bằng đất nung. Đây là hai bộ tượng khá xưa và độc đáo của chùa còn lưu giữ được, cho thấy nghề gốm ở địa phương đã phát triển khá sớm. Chùa cũng còn lưu giữ được ba pho tượng Phật tạc bằng đá khá xưa (có thể vào cuối thế kỷ XVll) và một tượng Quan Âm bằng gỗ mít được làm bằng cây mít cổ thụ hàng trăm tuổi được trồng trong vườn chùa. Vào năm 1988, chùa đúc một đại hồng chung theo mẫu của chùa Thiên Mụ (Huế) nặng 1,5 tấn cao 2 mét, đường kính 1m2, đặt trên chiếc giá chuông bằng gỗ lim đưa từ Hà Nội về và được nghệ nhân Bình Dương chạm trổ các hoa văn trên đó. Trong các năm 1996-1998 chùa tổ chức đúc thêm bảy tượng Phật bằng đồng vàcũng trong năm 1996 chùa cho xây dựng một bảo tháp gồm nhiều tầng lầu cao 24m, dùng làm nơi để các tượng thở, riêng tầng tư dành để thờ Xá Lợi Phật. Gần đây vào năm 2002, bên phải ngôi chùa lại có thêm một công trình mới gồm một trệt một lầu và bên trên sân thượng có xây bảo tháp thờ tượng quan Âm bằng đồng cao 3m, nặng 3 tấn. Qua bao thăng trầm biến động, phần lớn các di ảnh, hành trạng của hầu hết các vị khai tổ của chùa chỉ còn được lưu truyền qua trí nhớ của các đệ tử.
Đến nay chùa chỉ còn giừ được 5 long vị từ thế hệ truyền thừa đời thứ 40 của phái lâm tế dòng Bổn Nguyên như: Hồng Kiềm (đời 40), Nhật Liên (đời 41), Nhật tâm (đời 41), Lệ thiên (đời 42), Lệ Huệ (đời 43). Hiện viện chủ của chùa là Hòa thượng Thích Huệ Thông, (Chứng minh của Hội Phật giáo Bình Dương) và trụ trì là Thượng tọa Thích Minh Thiện (Trưởng ban Trị sự Phật giáo Bình Dương). Về số cổ vật có giá trị đã được xếp loại tại chùa Núi Châu Thới hiện nay còn lưu giừ được 55 hiện vật(8) (đứng nhì trong các ngôi chùa trong tỉnh). Với giá trị nhiều mặt về lịch sừ văn hóa, tôn giáo du lịch.., chùa Núi Châu Thới đã được công’ nhận là DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VÀ THẮNG CẢNH cấp quốc gia theo Quyết định số 451NH-QĐ ngày 21-4-1989.
Lâu nay có một vấn đề luôn khiến cho nhiều người, trong đó không chỉ có tăng ni, Phật tử mà cả giới quản lý bảo tàng văn hóa, du lịch đều phải quan ngại. Đó là việc bảo toàn nguyên vẹn về cảnh quan cũng như sự an toàn của ngôi chùa núi này. Như đã biết, do nhu cầu về phát triển xây dựng từ nhiều năm nay người ta đã làm biến dạng, thay đổi một phần cảnh quan chung ngọn núi và đã tạo ra mối đe dọa tiềm ẩn cho san toàn về lâu về dài nền móng mặt bằng của ngôi chùa đã được xếp vào các DI TÍCH DANH LAM -THẮNG CẢNH QUỐC GIA này.
Vì thế các biện pháp cụ thể, khả thi của cơ quan quản lý văn hóa du lịch đã đề xuất như tiến hành cắm mốc bảo vệ, phủ xanh phần đất núi đã bị đào xén(9). Nhằm bảo vệ cho di tích giá trị này là điều luôn được mọi người, mọi giới hết sức quan tâm…
N.H.H
(l) Đây là một trong 8 Di tích Văn hóa và Danh thắng cấp quốc gia đã được công nhận trên tỉnh Bmh Dương.
(2) Thích Huệ Thông ”Sơ khảo Phật giáo Bmh Dương, xuất bản 2000, trang 22.
(3) Theo Sđd (ghi chú 2) mãi đến năm 1920 công chúa Ngọc Vạn được chúa sai gã cho vua Chân Lạp và sau sự giao hảo trên, người Việt mới có các chọc di dân đáng kể vào vùng đất hoang vu phía Nam này (trang 24).
(4) Nguyễn Quảng Tuân Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên ”Những ngôi chùa ớ Nam bộ” NXB TP.HCM 1994 (các trang 31, 36, 40).
(5) Sđd (ghi chú 2) trang 22, 23 .
(6) Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo Đại Nam Nhất Thống Chí Tập Thượng Biên Hòa – Gia Định, Sài Gòn tái bản năm 1973 (tr 12).
(7) Sđd (ghi chú 2) trang 26.
(*) Theo định nghĩa của ngành văn hóa – bảo tàng ”cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học”.
(8) Theo tài liệu của Sớ Văn hóa – Thông tin Bình Dương: Ngành chuyên môn tại đia phương đã tiến hành kiểm kê, lập danh mục cổ vật tại các di tích trong tỉnh theo Chỉ thị số 05/2002/CT-TTg ngày 18-2-2002 của Thủ tướng Chính phủ.
(9) Theo ”Dự án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lich sử- văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2010…” của Sớ TTVH Bình Dương – 2006.

 

—————————————————————————————————————————-

LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA CHỮ HÁN ĐÌNH DĨ AN (已 安 亭) 

 Phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương


Đình Dĩ An toïa laïc khu phố Nhi Đồng I, khu dân cư Đại Nam, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Từ thị xã Thủ Dầu Một dọc theo quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương) đi về hướng Sài Gòn gaëp ngaõ tư cầu ông Bố, reõ traùi theo ñöôøng DT 743 qua ngã tư 550 khoảng 50m rồi rẽ phải theo đường Lý Thường Kiệt, lại rẽ phải theo đường Mồi đến khu dân cư Đại Nam sẽ tới đình.

 

Theo lời kể của các vị cao niên, đình Dĩ An được xây dựng vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ 19 trong một khu rừng nguyên sinh rộng lớn với diện tích ban đầu trên 30.700m2 dưới những tán lá cây xanh, lợp bằng lá cây thô sơ. Đình Dĩ An, khi mới xây dựng gọi là Cổ Miếu. Theo một số tư liệu địa phương, vùng đất Dĩ An ngày nay xưa là những cánh rừng rậm nguyên sinh, cây cối bạt ngàn, dân cư thưa thớt. Trong quá trình chinh phục tự nhiên để lập nên những xóm ấp, làng mạc, người dân nơi đây đã dựng lên một cái chòi lợp bằng lá cây để làm nơi thờ tự, cầu mong thần linh phù hộ cho nhân dân được bình an, may mắn. Chòi được người dân gọi là miếu thờ (cổ miếu). Vào khoảng năm 1838, khi cư dân sinh sống nơi đây có phần nhộn nhịp và đông đúc hơn, người ta đã tổ chức xây dựng lại ngôi miếu thành ngôi đình đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng. Đến năm 1853, vua Tự Đức ban sắc phong cho đình, lúc này người dân nơi đây đã quen gọi là đình thần Dĩ An (Đình Dĩ An). Sắc phong có nội dung như sau:

Nguyên văn chữ Hán:

敕 已 安 城 隍 之 神 原 贈 保 安 正 直 佑 善 之 神 護 國 庇 民 稔 著 靈 應 肆 今 丕 膺

耿 命 緬 念 神 庥 可 加 贈 保 安 正 直 佑 善 敦 凝 之 神 仍 準 義 安 縣 已安 社 依 舊 奉 事 神 其 相 佑 保 我 黎 民 欽 哉

 

嗣 德 五 年 拾 壹 月 貳 拾 玖 日

Sắc Dĩ An Thành Hoàng Chi Thần nguyên tặng Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện Chi Thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng tứ kim phi ưng

Cảnh mệnh miễn niệm thần hưu khả gia tặng Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng Chi Thần. Nhưng chuẩn Nghĩa An huyện, Dĩ An xã y cựu phụng sự thần. Kỳ tương hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai!

 

Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập cửu  nhật

Tạm dịch:

Sắc cho Thần Thành Hoàng tại Dĩ An, nguyên được tặng là “Thần Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện”, giúp nước, cứu dân, linh ứng rõ rệt đã lâu. Nay Ta (Trẫm) nhận mệnh sáng của trời, nhớ lại đức tốt của thần nên gia tăng là: “Thần Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng”. Chuẩn cho thôn Dĩ An, huyện Nghĩa An phụng sự thần như cũ. Thần nên giúp đỡ, coi sóc, bảo vệ dân đen của ta. Hãy nghe theo sắc lệnh này!

Ngày 29 tháng 11 Tự Đức năm thứ V (1853)

Qua địa danh và niên đại ghi trong sắc Thần trên đây, có thể xác định được khoảng thời gian đình Dĩ An thành lập. Sắc Thần ghi rõ đình Dĩ An ở xã Dĩ An, huyện Nghĩa An. Được biết “năm Minh Mạng thứ 18 (1837) triều đình cho tách 4 tổng An Thủy Đông, An Thủy Trung, An Thủy Thượng, An Thủy Hạ khỏi huyện Bình An lập thành huyện mới (Nghĩa An) thuộc phủ Phước Long, tỉnh Bình Hòa” (Địa chí Bình Dương. Tập 1; xuất bản 2010, trang 192. Như vậy, đình Dĩ An chỉ được thành lập sau năm 1837 và trước năm 1853.

Đến năm 1910, một số bô lão đã vận động nhân dân trong làng xây đựng lại ngôi đình nơi địa điểm hiện nay với diện tích rộng và lớn hơn so với trước, cùng nhiều hạng mục gồm: một võ ca nằm ngang gắn liền với tứ trụ – nóc tổ (nhà tứ trụ), và nhiều công trình phụ khác như nhà túc (nhà ăn) nhà kho. Tất cả các công trình đều được làm hoàn toàn bằng gỗ quý, lợp ngói âm dương. Đến năm 1932, đình được xây nới rộng ra về phía trước với hai hạng mục gồm một võ quy và một nhà tứ trụ. Lấy diện tích xây dựng mới này để thay thế nơi thờ cũ, còn diện tích xây dựng cũ được chuyển mục đích sử dụng làm nhà khách (Có thờ Tiền hiền, Hậu hiền và Tổ nghiệp).

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình là nơi hoạt động cách mạng của bộ đội Đào Sơn Tây. Đặc biệt, trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, đình không những là nơi hoạt động cách mạng của bộ đội Đào Sơn Tây, mà còn là nơi dừng, trú quân của lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một. Trong khuôn viên đình, hiện vẫn còn một số hầm bí mật của một số đơn vị lực lượng vũ trang và bộ đội Đào Sơn Tây. “ Theo lời kể của cố Thiếu tướng Đào Sơn Tây, một người con trung dũng của Dĩ An, trong chống Pháp ông là Trung đoàn Trưởng – Trung đoàn 310, trong chống Mỹ là tướng lĩnh của quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã từng có nhiều thời gian chỉ huy lực lượng tại khu vực đình Dĩ An, riêng ông đã ẩn nấp tại ngôi đình trong những tháng ngày khó khăn ác liệt. Khu rừng chung quanh đình vẫn còn nhiều dấu tích, hầm bí mật được sự che chở, đùm bọc của nhân dân nên cán bộ chiến sĩ hoạt động ở khuôn viên đình Dĩ An luôn được an toàn, ngôi đình không bị tàn phá bởi bom đạn của địch” (Trích tóm tắt Lý lịch di tích đình Dĩ An của ban tổ chức trong lễ đón nhận bằng di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh của Bình Dương). Có thể nói, trong quá trình lịch sử chống xâm lược giành độc lập dân tộc, đình là nơi để dân quân cách mạnh hoạt động chống kẻ thù, tuy không bị địch đốt phá như một số ngôi đình làng khác, nhưng đình cũng bị xuống cấp và hư hại nhiều. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhất là trong những năm gần đây khi cuộc sống của người dân ngày càng khá giả, họ đã đóng góp tiền của tôn tạo lại một số hạng mục và xây thêm một số công trình mới của ngôi đình. Cụ thể vào năm 1998, đình được tu bổ lại và xây thêm nhà võ ca nối liền trước mặt tiền chánh điện với kiểu dáng giống kiến trúc ngôi đình; gồm một võ ca và một tứ trụ – nóc tổ. Nhưng nếu như kiến trúc đình được làm hoàn toàn bằng gỗ và lợp ngói thì nhà võ ca được làm bằng bê tông cốt thép và lợp tôn. Vào những năm 2006, 2007 do nhu cầu sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng của nhân dân thị trấn (nay là phường Dĩ An, thị xã Dĩ An) ngày càng cao, lại nhận được sự giúp đỡ của bà con, nhất là công ty Thanh Lễ nên Ban nghi lễ đình đã tổ chức xây dựng thêm một nhà khách nằm cạnh bên ngôi đình và nhiều công trình khác như nghĩa trang liệt sĩ, cổ miếu và cổng đình nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng của nhân dân. Cho đến nay, có thể nói đình làng Dĩ An là một trong những ngôi đình khang trang và có quan cảnh sạch đẹp nhất trong tỉnh Bình Dương.

Khi đến thăm viếng đình thần Dĩ An, chúng ta như được thấy lại những nét đẹp xưa của đình làng Việt Nam nói chung và đình làng Nam Bộ nói riêng. Cổng đình Dĩ An, tuy mới được xây dựng năm 1998, nhưng phong cách cũng không khác với cổng đình làng xưa. Cổng được xây dựng theo kiểu cổng tam quan với một cửa chính và hai cửa phụ, mái bậc thang, lượn cong mũi thuyền. Trên nóc cổng có đắp nổi hình hai con rồng và hồ lô (đầu rồng) có gắn biểu tượng âm dương. Nhiều đề tài hoa văn phong phú được trang trí ở mặt trong mặt ngoài cổng, cùng những câu chữ Hán được đắp nổi gắn kết lên cột cổng đình tạo thành một bức trang đầy màu sắc vừa hiện đại vừa pha lẫn nét cổ xưa. Những cặp câu đối có nội dung như sau:

Cặp đối thứ 1:

Chữ Hán:

爵 列 三 官 司 善 惡

神 從 兩 大 顯 灵 通

Phiên âm:

Tước liệt tam quan tư thiện ác

Thần tòng lưỡng đại hiển linh thông

Tạm dịch:

Tước phẩm tam quan, quản lý điều thiện ác

Thần thông đại lượng, hiển linh thông suốt

(Chức được liệt vào ba vị quan coi sóc việc thiện ác

Dựa theo hai việc lớn đó mà thần hiển linh)

Cặp đối thứ 2:

Chữ Hán:

天 官 地 官 水 官 法 紀 綱 造 化

上 元 中 元 下 元 氣 流 行 古 今

Phiên âm:

Thiên quan, địa quan, thủy quan, pháp kỷ cương tạo hóa

Thượng nguyên, trung nguyên, hạ nguyên, khí lưu hành cổ kim

Tạm dịch:

Trời quản, đất quản, thủy quản phép tắc kỷ cương thành lẽ tự nhiên

Thượng nguyên, trung nguyên, hạ nguyên là lẽ tuần hoàn xưa nay

Qua khỏi cổng là cả một khuôn viên rộng lớn có diện tích 2036.78mvới những cây cổ thụ quý hiếm như: Sao, Giá Tỵ, Gõ Mật, Cám và Dầu,…có niên đại hàng trăm năm tuổi. Các cơ sở khối tự như: miếu bà Ngũ Hành, đền Ngọc Hoàng, Sơn Quân, Đền Mẫu, Hữu Bạch Hổ, Thần Nông và Bia mộ Liệt Sĩ,… ẩn hiển dưới những tán lá cây xanh tươi, thoáng mát, tạo nên ở đình một không gian yên tĩnh tươi tắn và linh thiêng.

Cơ sở thờ tự chính (đình Thần), là một dãy nhà được thiết kế theo kiểu hình chữ nhật (日) gồm: võ ca, chánh điện, nhà khách và nhà túc,… Trước hết là nhà võ ca – nhà được thiết kế gồm một võ quy và một tứ trụ – nóc tổ, làm bằng xi măng cốt thép và lợp tôn, chia thành ba gian: gian sân khấu, gian chuẩn bị cho buổi ca diễn và gian dành cho khách. Ở các gian này đều có thiết trí những cặp câu đối bằng chữ Hán có nội dung như sau:

Cặp đối thứ 1:

Chữ Hán:

五 六 充 將 辛 舟 挂

七 八 將 君 安 社 稷

Phiên âm

Ngũ lục sung tướng tân chu quải

Thất bát tướng quân an xã tắc

Tạm dịch:

Năm sáu chiếc thuyền chở đầy tân binh

Bảy tám tướng quân cùng làm yên xã tắc

Cặp đối thứ 2 :

Chữ Hán:

百 千 人 馬 七 八 人

萬 里 長 安 三 四 步

Phiên âm:

Bách thiên nhân mã thất bát nhân

Vạn lý Trường An tam tứ bộ

Tạm dịch:

Trăm nghìn người, có bảy tám người cưỡi ngựa

Dài ngàn dặm, ba bốn người hành bộ vẫn an.

 

Đối diện với võ ca là mặt tiền chánh điện, ở hai bên Tả và Hữu có trang trí hai bức tượng quan Văn và quan Võ, đắp bằng xi măng. Bên tả, tượng quan Võ, tượng bạch Mã và  kỳ Lân. Bên Hữu tượng quan Văn cùng tượng Bạch Mã và Kỳ Lân. Ở trước cửa chính, bài trí lư hương làm bằng xi măng cùng bàn thờ để lễ vật chuẩn bị cho việc hành lễ. Trên tường cửa chính và hai cửa phụ hai bên đi vào chánh điện là những cặp câu đối bằng chữ Hán được đắp nổi gắn kết vào cột tường của cửa, với nội dung:

Cặp thứ 1:

Chữ Hán:

天 寶 物 華 兩 順 風 調 歌 聖 德

地 靈 人 傑 河 清 海 晏 沐 神 恩

phiên âm:

Thiên bảo vật hoa lưỡng thuận phong điệu ca thánh đức

Địa linh nhân kiệt hà thanh hải án mộc thần ân

Tạm dịch:

Báu vật và sắc đẹp bốn mùa của trời là hai cái thường để ngợi ca công đức  thần thánh

Đất linh, người tài là nhờ tắm gội ơn thần rực rở trong xanh như nước sông nước biển.

(Báo vật và tinh hoa của trời, của vạn vật cả hai cùng hòa hợp ngợi ca thánh đức

Đất linh, người tài, sông trong, biển lặng đều được tắm gội ơn đức của thần)

Cặp thứ 1:

Chữ Hán:

廟 其 靈 矣 士 農 工 買  沐 恩 波

神 於 格 恩 上 下 尊 俾 靈 德 澤

Phiên âm:

Miếu kỳ linh hĩ sĩ nông công mãi mộc ân ba

Thần ư  cách ân thượng hạ tôn ti linh đức trạch

Tạm dịch:

Miếu linh thiêng, sĩ, nông, công, thương đều vui thấm nhuần ơn của thần

Ân huệ, cách thức ở nơi thần, trên, dưới, tôn, ti, đều được hưởng đức.

Kế tiếp là nhà võ ca được thiết kế gắn kết với tứ trụ – nóc tổ cũng là nơi thờ tự chính của đình. Nhà được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ với 16 cây cột, chia thành 15 gian; với ba gian thờ chính và 12 gian thờ phụ. Đình được làm thành hai nóc với 6 mái gồm: bốn mái chính, hai chái phụ. Toàn bộ khung sườn từ kèo, cột, rui mè,… đều làm bằng gỗ, lợp ngói vãy cá, xây tường gạch, nền lót gạch men màu vàng, trên nóc có gắn hình tròn bầu dục và hai con rồng.

Từ cửa chính bước vào trong chánh điện là án thờ (bàn thờ) Hội đồng nội. Án thờ làm bằng gỗ, trên án thờ có lư hương, chân đèn và chò chưng trái cây. Án thờ  bài trí ở cửa chính cũng là gian thờ đầu tiên. Ở hai bên cột án thờ có thiết trí cặp câu đối bằng chữ Hán và bao lam làm bằng gỗ sơn son thếp vàng rất tinh xảo và trang trọng. Cặp câu đối có nội dung:

Chữ Hán:

聖 德 及 群 黎 萬 古 地 靈 人 傑

神 恩 施 衆 庶  千 秋 物 阜 民 康

Phiên âm:

Thánh đức cập quần lê vạn cổ địa linh nhân kiệt

Thần ân thi chúng thứ thiên thu vật phụ dân khang

Tạm dịch:

Đức của Thánh đến với nhân dân, muôn thuở đất linh, người tài

Ân của Thần thực thi nơi chúng dân, ngàn năm dân mạnh, nước giàu

Hai bên án thờ hội đồng Nội là án thờ Tả ban, Hữu ban. Kế đến là án thờ Giáng Son – Án thờ Giáng Son là án thờ chức sắc của vị thần. Ở bên án thờ có dàn lỗ bộ (dàn binh khí), trên án thờ có dàn bát bửu, lư hương, chân đèn bằng đồng và cặp hạc đứng trên lưng rùa làm bằng gỗ. Trên án thờ, ở hai bên cột có thiết trí cặp câu đối chữ Hán và bao lam bằng gỗ được sơn son thếp vàng. Cặp câu đối có nội dung như sau:

Chữ Hán:

神  龍  週  地  海 人  民  共   仰  靈  春

靈  鳳  應  南  山 天  下  感   吉  享  慶

Phiên âm:

Thần long chu địa hải nhân dân cộng ngưỡng linh xuân

Linh phụng ứng Nam Sơn thiên hạ cảm cát hưởng khánh

Tạm dịch:

Thần long chu (đi) khắp đất nước, nhân dân cùng ngưỡng mộ xuân tươi

Phượng Hoàng linh ứng Sơn Nam, thiên hạ được hưởng niềm vui.

Song song án thờ Giáng Son là án thờ Tả ban, Hữu ban. Kế đến là bàn thờ Chánh thần (còn gọi là dinh điện thờ ông) bàn thờ xây bằng gạch, trên bàn thờ là khám thờ ông làm bằng gỗ. Hai bên là hai con Bạch Mã, dàn binh khí, võng điều,…Trên bàn thờ gồm có ngà Voi, chân đèn, lư hương, và cặp hạc đứng trên lưng Rùa. Ở hai bên thiết trí các cặp câu đối chữ Hán có nội dung:

Cặp đối thứ 1:

聖 德 壯 千 秋 永 黎 民 常 樂 業

神 恩 靈 萬 載 增 村 社 共 安 居

Phiên âm:

Đức thánh tráng thiên thu vĩnh lê dân thường lạc nghiệp

Thần ân linh vạn tải tăng thôn xã cộng an dân

Tạm dịch:

Đức của thánh lớn lao, cao cả ngàn năm muôn dân vui hưởng nghiệp

Ơn của thần linh thiêng, muôn đời thêm sự yên định xóm làng
(Đức thánh ngàn năm (làm cho) nhân dân mãi lập nghiệp

Ơn thần linh ứng muôn đời tạo thêm làng xã giúp dân yên ôn)

Cặp đối thứ 2:

Chữ Hán:

聖 德 宏 開 人 民 霑 化 育

神  恩  普  照  萬  物  配  同  春

Phiên âm:

Thánh đức hoành khai nhân dân triêm hóa dục

Thần ân phổ chiếu vạn vật phối đồng xuân

Tạm dịch:

Đức của Thánh to lớn, giáo dục khai trí nhân dân

Ân của Thần soi chiếu, vạn vật cùng hưởng vui xuân

(Thánh đức rộng mở giúp cho nhân dân được khai hóa giáo dục

Ơn thần chiếu khắp khiến cho vạn vật cùng hưởng mùa xuân)

Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng về  kiến trúc chính của đình vẫn còn giữ được nét đẹp cổ kính của một ngôi đình có hơn trăm năm tuổi. Nhất là vẫn duy trì được phần lớn những sinh hoạt lễ hội Văn hóa – Tín ngưỡng truyền thống của dân tộc và địa phương. Từ năm 1972, Ban lễ sinh của đình đã được cũng cố, do ông Phạm Văn Duy (Bảy Duy ) đào tạo, hướng dẫn và hoạt động cho đến nay. Những nghi thức lễ hội Đông Hạ, Nhị Kỳ được bảo tồn theo nét văn hóa truyền thống. Ngoài các lễ hội theo tứ thời đình duy trì hai lễ hội chính, đó là lễ cầu Bông tổ chức vào ngày 16/ tháng 6 Âm lịch cầu cho mùa màng tươi tốt, hoa lợi bội thu; lễ Kỳ yên (cầu an) cầu cho cho quốc thái dân an) hàng năm vào ngày 16/11 Âm lịch đặc biệt đáo lễ ba năm lễ Kỳ yên được tổ chức suốt trong mấy ngày, có tồ chức đại ban hát tuồng cổ để dâng cúng thần linh và phục vụ nhân dân trong vùng. Trong lễ thường không thiếu các nghi thức truyền thống như: – lễ Khai môn – lễ Cầu an – lễ Viếng (tiến linh) viếng nhà bia Anh hùng Liệt sĩ và cúng vong đồng bào tử nan – lễ Thỉnh sắc, lễ Thỉnh sanh, lễ Túc đế – lễ Tế tiền hiền – Tiên sư, – lễ Đàn cả (tống quái, tống ngôn.

Có thể nói đình Dĩ An là ngôi đình có bề dày lịch sử qua quá trình hình thành và phát triển trong công cuộc khẩn hoan, xây dựng làng xã, phát triển dân cư vùng Bình An, Thủ Dầu Một, Biên Hòa. Đồng thời lịch sử tồn tại của ngôi đình luôn gắn liền với công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.

Đến nay đình Dĩ An đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là DI TÍCH  – LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH (Quyết định số 814/QĐ –UBND ngày 18/3/2010

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

01. Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Nam Bộ đất và người tập 6, xuất bản 2008

02. Cứ liệu lịch sử . Sắc phong do triều đình nhà Nguyễn ban 1853

03. UBND tỉnh Bình Dương. Địa chí Bình Dương. Tập 1, xuất bản 2010

04. Vũ Đức Thành chủ biên. Thủ Dầu Một – Bình Dương đất lành chim đậu. Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1999.

05 Tư liệu điền dã (tại đình và phường Dĩ An của người viết)

06. Bài viết có sự góp ý của Bác Nguyễn Hiếu Học

http://www.sugia.vn

8 thoughts on “Thị Xã Dĩ An

  1. Văn cúng tại một số ngôi đình ở Bình Dương

    Hạ Trúc

    Trong tập san KHLS số 19 (8-2010) chúng tôi đã có dịp giới thiệu văn cúng của đình Tân An (xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) tới quý bạn đọc, trong số này chúng tôi xin giới thiệu tiếp văn cúng ở hai đình là đình Bình Đường (ấp Bình Đường 3, An Bình, Dĩ An) và đình ấp Tân Phước (ấp Tân Phước, Tân Bình, Dĩ An).

    VĂN CÚNG TẠI ĐÌNH BÌNH ĐƯỜNG

    (ấp Bình Đường 3, An Bình, Dĩ An, Bình Dương)

    Đình thần Bình Đường là ngôi đình duy nhất của xã An Bình, tọa lạc tại ấp 3, xã An Bình, huyện Dĩ An. Các cụ cao niên cho biết đình được lập vào cuối thế kỷ XVIII, được trùng tu 2 đợt vào năm 1965 và năm 1994. Trong đình hiện lưu giữ một bản sắc phong nhưng do tuyệt đối không được mở ra lần nào từ năm đó nên năm sắc phong của đình còn chưa được thống nhất, có ý kiến là năm Tự Đức thứ 5 (năm 1852), nhưng cũng có ý kiến cho rằng năm Khải Định thứ 9. Cụ Nguyễn Văn Mắt (trưởng Ban quý tế) và cụ Nguyễn Văn Thao cho biết: cứ lớp trước truyền lại cho lớp sau sự linh thiêng và tôn nghiêm của bản sắc phong, nhờ bản sắc phong mà dân làng được bảo vệ sống và làm ăn yên ổn, chính vì vậy không ai giám chạm vào “vật” linh thiêng đó. Hàng năm đình cúng một lệ vào ngày 10 tháng 11 (AL), ba năm đáo lệ một lần vào hai ngày 9-10/11 (AL) và có tổ chức hát bội, xây chầu. Chúng ta cũng biết tới đình Bình Đường là một trong số ít những ngôi đình còn duy trì được lễ xây chầu truyền thống và do người địa phương đứng ra làm lễ qua bài viết “ Bước đầu tìm hiểu về hình thức xây chầu trong lễ kỳ yên và lễ xây chầu tại đình ấp Bình Đường, Dĩ An, Bình Dương” của tác giả Đức Thuận đã đăng trong tạp chí của Hội. Cũng như đa số những ngôi đình khác, văn cúng được dùng trong toàn bộ lễ nghi, và được cụ Nguyễn Văn Thao đọc.

    Duy

    歲 次 壬 戌 年 建 壬 子 月 初 十 日 良 晨

    Tuế thứ Nhâm Tuất niên kiến Nhâm tý nguyệt sơ thập nhật lương thần.

    迆 安 縣 安 平 社 平 唐 邑

    Dĩ An huyện, An Bình xã, Bình Đường ấp.

    正 拜: 培 拜:

    Chánh bái Bồi bái

    東 献: 西 献:

    Đông hiến Tây hiến

    合 全 本 村 鄉 職 新 舊, 男 婦 老 幼 大 小

    Hợp toàn bổn thôn hương chức tân cựu, nam phụ lão ấu đại tiểu

    等 粢 因 冬 薌 例 有 祈 安 謝 神 之 禮

    đẳng tư nhân đông hương lệ hữu kỳ an tạ thần chi lễ.

    謹 以 剛 蜡, 粢 盛, 清 酌, 庶 品 之 儀

    Cẩn dĩ cương lạp, tư thình, thanh chước, thứ phẩm chi nghi.

    敢 昭 告 于

    Cảm chiêu Cáo vu!

    本 境 城 皇 大 王 尊 神 左 班 烈 位 之 神

    Bổn cảnh Thành Hoàng đại vương tôn thần, Tả ban liệt vị chi thần,

    右 班 烈 位 之 神 白 馬 太 监 之 神 伍 行

    Hữu ban liệt vị chi thần, Bạch Mã thái giám chi thần, Ngũ Hành

    娘 娘 之 神 山 林 主 將 之 神 神 農 之 神

    Nương nương chi thần, Sơn lâm chủ tướng chi thần, Thần Nông chi thần,

    先 師 之 神 上 公 之 神 前 賢 開 墾 後 賢

    Tiên Sư chi thần, Thượng Công chi thần, Tiền Hiền khai khẩn, Hậu hiền

    接 開 之 神

    tiếp khai chi thần.

    及 部 下 同 來 配 享.

    Cập bộ hạ đồng lai phối hưởng.

    恭 惟 尊 神

    Cung duy tôn thần!

    Viết:

    洋 洋 在 上, 濯 濯 厥 灵, 無 臭 無 声, 碑 昌

    Dương dương tại thượng, trạc trạc quyết linh, vô xú vô thanh, bi xương

    碑 熾 德 之 大, 巍 巍 蕩 蕩 功 之 弘 化 化

    bi sí đức chi đại, nguy nguy đãng đãng công chi hoằng hóa hóa

    生 生, 茲 因 恭 陳 菲 禮 宿 謁 廟 庭, 內 村

    sinh sinh, tư nhân cung trần phỉ lễ túc yết miếu đình, nội thôn

    平 安 康 泰, 祐 人 民 富 壽 康 寜. 仰 同 恩

    bình an khang thái, hữu nhân dân phú thọ khang ninh. Ngưỡng đồng ân

    愈 盛 千 秋, 望 感 應 降 臨, 萬 歲 長 盛, 千

    dũ thịnh thiên thu, vọng cảm ứng giáng lâm, vạn tuế trường thịnh, thiên

    年 常 在 樂, 風 調 雨 順,國 泰 民 安, 百 里

    niên thường tại lạc, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, bách lý

    皆 和, 敬 來 扶 明 帝 功 心 祈 表 逹 平 安

    giai hòa, kính lai phù minh đế công tâm kỳ biểu đạt bình an

    致 意.

    trí ý.

    仰 赖 尊 神 之 嘉 惠 也.

    Ngưỡng lại tôn thần chi gia huệ giả.

    伏 惟 謹 祭

    Phục duy cẩn tế!

    Tạm dịch

    Thưa rằng:

    Hôm nay nhằm ngày 10 tháng Nhâm Tý (11 AL), năm Nhâm Tuất tại ấp Bình Đường, xã Bình An, huyện Dĩ An gồm:

    Chánh bái………, bồi bái………, đông hiến…….., tây hiến cùng toàn thể bà con trong thôn từ quan viên cũ mới tới già, trẻ, trai, gái nhân lệ đông tế mà tề tựu đặng sửa soạn tạ thần trong lễ kỳ an. Cung kính, cẩn trọng sửa soạn đèn nến, hương, rượu, trà, quả, cỗ bàn thanh khiết.

    Xin cáo với các bậc thần linh cảm nhận cho!

    Kính mời: Thần Thành hoàng bổn cảnh; tả ban, hữu ban; thần Bạch Mã thái giám; Ngũ Hành nương nương, thần rừng núi, thần nông nghiệp; Tiên sư, tổ sư, thần thương đẳng; tiền hiền, hậu hiền cùng bộ hạ của các ngài giáng lâm hưởng lễ.

    Thưa rằng:

    Ân trên phong phú, đức độ ngời ngời, không có điềm xấu, không có thanh âm; ca tụng ân đức tốt đẹp, to lớn; công đức thần trong nghiệp sinh hóa mở rộng mênh mông, sừng sững. Nhân lúc tiết lệ, cung kính sửa soạn lễ mọn trước sân đình, túc trực dâng lên thần, khấn nguyện bằng lễ này mong ngài ban cho toàn dân trong bổn thôn bình an, mạnh khỏe, phò trợ cho dân giàu có yên vui. Ngửa trông ban điềm lành, thịnh vượng tới ngàn năm, ngóng trông điều cầu mong thành sự thật để vạn năm trường thịnh, nghìn năm mãi vui; mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, trăm họ hòa hợp. Kính trông phò trợ vua sáng, đức độ để truyền đạt được ước vọng bình an (của dân) thấu tới Thần.

    Nay cúi lạy kính cẩn mà thưa vậy!

    VĂN CÚNG ĐÌNH ẤP TÂN PHƯỚC, XÃ TÂN BÌNH, HUYỆN DĨ AN

    Đình thần ấp Tân Phước là ngôi đình tuy không lớn lắm nhưng chúng tôi đã thật sự bất ngờ trước lối kiến trúc và vật liệu xây dựng đình. Đình giữ lại được bộ xà kèo gỗ có tuổi thọ cả trăm năm rất tốt, nhiều cột gỗ to, chắc với những con kê tuy chạm khắc đơn giản nhưng cũng phần nào thể hiện óc mỹ thuật của người thợ dựng đình mà để nghiên cứu kỹ hơn, thỏa đáng hơn chúng ta cần có nhiều thời gian và một chuyên đề khác. Ở đây chúng tôi cũng sưu tập được văn cúng của đình, đình mỗi năm cúng hai lệ vào ngày 16 tháng 4 và 16 tháng 11.

    Duy

    嗣 德 弍 拾 肆 年. 歲 次 己 丑 年 拾 壹 月

    Tự Đức nhị thập tứ niên. Tuế thứ Kỷ Sửu niên, thập nhất nguyệt

    建 丙 子 朔 越 拾 陸 日 良 晨. 平 陽 省 迆

    kiến Bính Tý sóc, việt thập lục nhật lương thần. Bình Dương tỉnh, Dĩ

    安 縣 新 平 社 新 腹 邑

    An huyện, Tân Bình xã, Tân Phước ấp.

    正 拜: 正 祭:

    Chánh bái: Chánh tế:

    陪 祭: 陪 祭

    Bồi tế: Bồi tế:

    合 鄉 職 大 小 等 謹 以 剛 蜡 茶 盛 清 酌

    Hiệp hương chức đại tiểu đẳng cẩn dĩ cương lạp trà thịnh thanh chước

    庶 品 之 儀.

    thứ phẩm chi nghi

    敢 照 告 吁

    Cảm chiếu cáo dụ!

    大 乾 皇 趙 國 家 南 海, 耀 應 顯 宥 面 像

    Đại Càn Hoàng Triệu quốc gia Nam hải, diệu ứng hiển hựu diện tương

    嚴 良, 成 哲 普 明 永 達. 校 恩 合 德 敕 贈

    nghiêm lương, thành triết phổ minh vĩnh đạt. Hiệu ân hiệp đức sắc tặng

    城 皇 之 神, 可 贈 保 安 正 直. 神 農 皇 帝,

    Thành Hoàng chi thần, khả tặng Bảo An Chính Trực. Thần Nông hoàng đế,

    后 稷 大 王. 今 年 趙 王 行 譴, 弎 拾 陸 禓

    Hậu Tắc đại vương. Kim niên Triệu vương hành khiển, Tam Thập Lục Thương

    行 兵, 曲 曹 判 官, 天 嶾 鬼 王 之 神. 左 東

    hành binh, Khúc Tào phán quan, thiên nhạc quỷ vương chi thần. Tả đông

    征 翼 聖 城 皇 大 神. 右 東 征 翼 聖 城 皇

    Chinh dực Thánh Thành Hoàng đại thần. Hữu đông Chinh dực Thánh Thành Hoàng

    大 神. 東 南 戳 海 郎 吏 弍 大 將 君. 婀 昵

    đại thần. Đông Nam Sác Hải Lang lại nhị đại tướng quân. A Nặc

    等 處 尊 神. 左 班 列 位 之 尊 神. 右 班 列

    đẳng xứ tôn thần. Tả ban liệt vị chi tôn thần. Hữu ban liệt

    位 之 尊 神. 先 師 土 公 二 位 之 尊 神. 白

    vị chi tôn thần. Tiên Sư Thổ Công nhị vị chi tôn thần. Bạch

    馬 太 監 之 尊 神. 當 境 山 川 碩 瀆 河 霸

    Mã Thái Giám chi tôn thần. Đương cảnh sơn xuyên Thạc Độc Hà Bá

    水 官 等 諸 龗 神. 東 廚 司 命 竈 君 住 宅.

    Thuỷ quan đẳng chư linh thần. Đông Trù tư mệnh Táo quân trụ trạch.

    己 為 科 晉 士 翡 韻 將 君. 宋 江 文 忠 正

    Kỷ vi khoa Tấn Sĩ phỉ vận tướng quân. Tống Giang văn trung chánh

    元 之 神. 及 佔 蠻 夷, 有 名 無 位,有 位 無

    nguyên chi thần. Cập Chiêm man di, hữu danh vô vị, hữu vị vô

    名. 歷 代 諸 聖 娘 王, 前 後 烈 位 等 諸 尊

    danh. Lịch đại chư thánh nương vương, tiền hiền liệt vị đẳng chư tôn

    神. 同 來 降 下 享 司 費 禮.

    thần. Đồng lai giáng hạ hưởng tư phí lễ.

    Viết

    洋 洋 在 上, 濯 濯 厥 灵, 以 王 繼 嗣 天 皇,

    Dương dương tại thượng, trạc trạc quyết linh, dĩ vương kế tự Thiên Hoàng,

    為 春 五 帝 德 大 興 農, 業 傳 後 世; 茲 因

    Vị xuân Ngũ Đế đức đại hưng nông, nghiệp truyền hậu thế; tư nhân

    恭 陳 菲 禮 宿 謁; 保 人 物 安 強, 智 穀 和

    cung trần phỉ lễ túc yết; bảo nhân vật an cường, trí cốc hòa

    養; 美 解 除 此 酌 之 他 方; 區 逐 蟥 虫 之

    dưỡng; mỹ giải trừ thử chước chi tha phương; khu trục hoàng trùng chi

    演 治; 家 家 歡 樂, 處 處 區 歌, 曰 富, 曰 貴

    diễn trị; gia gia hoan lạc, xứ xứ khu ca, viết phú, viết quý.

    享 赖 聖 神 之 嘉 惠 也.

    Hưởng lại thánh thần chi gia huệ giả.

    伏 惟 謹 祭

    Phục duy cẩn tế!

    Tạm dịch từ phần “Viết”

    Ân trên phong phú, đức độ ngời ngời. Xưa, các vua thời Ngũ đế kế nghiệp lớn từ Thiên Hoàng, dùng đức lớn mà phát triển nghề nông, nghiệp đó còn truyền cho hậu thế. Nay nhớ ơn trên mà sửa soạn lễ mọn, cung kính dâng lên thần. Cầu mong thần ra tay phù hộ cho người người, vật vật đều an bình, mạnh khỏe; cây cối tươi tốt, bội thu; dùng rượu để giải trừ xú khí bốn phương, dùng sức mạnh để tiễu trừ tà vật; làm cho nhà nhà vui vẻ, nơi nơi ca hát, giàu có, phú quý.

    Nay cúi lạy kính cẩn mà thưa vậy!

    H.T

    Like

  2. Pingback: abnehmen

Thank you so much